BẮT ĐẦU HỌC ĐẠO PHẬT, CẦN HỌC GÌ

1017 lượt xem

 

Nhiều Phật tử thường lo sợ bị phạm lỗi với Phật, vẫn hỏi “Không biết phải lễ Phật thế nào cho đúng? Cách tụng kinh, gõ mõ thế nào? Phải tụng Kinh gì bây giờ? Học cái gì trước?”. Đó là ý thức “khiêm tốn”, “ham học hỏi, ham hiểu biết”, thật tốt đẹp, mà Đức Phật cũng thường khuyên bảo đệ tử của Ngài như thế.

  I-LỄ PHẬT THẾ NÀO:

Các Phật tử là người tu tại gia, không được học Lễ Phật kỹ càng như các vị xuất gia. Xin rút tỉa từ các bài viết về cách lễ Phật để các Phật tử tham khảo:

Trong các đạo tràng ở nước ta, thường dùng cách lễ “ngũ thể đầu địa” để lễ Phật. Tuy thế, cũng có nhiều cách thực hiện khác nhau: 

1) Cách 1- Trước phải sau trái: (Ấn Ðộ, dùng phía phải tượng trưng cho Chánh Ðạo, nên quỳ gối phải trước, theo thứ tự tay phải rồi tay trái chạm đất, biểu ý tôn trọng chánh pháp)

Ðứng ngay thẳng, chắp tay ngang trán. Trước hết là gối phải rồi đến gối trái, hai khủy tay lần lượt theo thứ tự chạm đất, rồi xòe hai tay ra, lòng bàn tay ngửa lên. Quán tưởng như đang chạm vào chân Phật, dùng trán dập xuống đất một lạy (theo Phật Quang Ðại Từ Ðiển, điều 6.582).  

2) Cách 2 – Phải trái cùng lúc: Hai tay đồng thời chạm đất, hai gối cũng đồng thời chạm đất, rồi cúi đầu chạm trán xuống đất, xòe hai bàn tay như trên. Cách lạy này biểu thị các ý nghĩa: “Ðịnh Huệ Ðẳng Trì” (cùng bình đẳng gìn giữ Ðịnh lẫn Huệ), “Từ Bi Song Vận” (cùng vận dụng Từ và Bi), “Chỉ Quán Song vận” …   

        Động tác phải làm từ tốn, chậm rãi để tỏ lòng cung kính.  Trong khi lạy, tâm chúng ta thành kính tưởng nhớ Ðức Phật, đừng nghĩ tưởng chuyện gì khác, giữ tâm trong sạch.

Trong khóa Lễ tụng Kinh, khi nghe tiếng chuông đánh, thì lạy xuống, khi nghe tiếng chuông dập (dùi chuông đánh vào và giữ lại ở miệng chuông), mới cất đầu và đứng lên. Tất cả lạy xuống, đứng lên nhịp nhàng theo tiếng chuông, mới được trang nghiêm.

Ngoài ra, còn có đứng Lễ, quỳ Lễ, cũng từ tư thế cơ bản như trên.

 II-KỂ CHUYỆN HỌC LỄ PHẬT:

Những ngày mới lên Chùa, cũng còn chưa rõ nhiều thứ, lúng túng, lo sợ phạm lỗi với Phật, với Thầy, tôi cũng có hỏi, xin Thầy chỉ dạy cho cách Lễ Phật thế nào cho đúng. Thầy chỉ mỉm cười bảo “Lễ thế nào chẳng được.”. Nghe lại càng choáng váng, mông lung.

Sau này hiểu ra, Thầy muốn nói “Lễ là tỏ thái độ tình cảm thành kính chân thật từ trong lòng mình”. Cái này còn phụ thuộc vào hiểu biết và tình cảm của mình với vị Phật, với vị Giáo chủ của mình đến đâu, còn hình thức lễ thì có thể tìm đọc hướng dẫn, có thể hỏi người đi trước, có thể nhìn xung quanh mà học.

Một lần được dự khóa lễ Phật Dược sư, tận Chùa ngoại thành Hà Nội. Ô tô, xe máy khắp nơi về dự rất đông, Phật tử tới hơn nghìn người. Đàn lễ bày 49 tượng Phật Dược sư cùng hoa quả đèn nến sáng trưng, kéo rộng từ hiên chùa ra ngoài sân. Kết thúc khóa lễ cũng gần 10 giờ tối, mọi người ồn ào lăng xăng khắp sân chùa, í ới lấy lộc, tìm nhau chia lộc, ra về.

Bỗng có cảm giác là lạ, tiếng ồn như dịu dần. Tôi ngó nhìn về phía đàn lễ sáng trưng, thấy một ni sư mặc áo lễ xanh, đứng chắp tay rất nghiêm trang, lặng nhìn tượng Dược sư vẻ rất súc động, rồi từ từ rất chậm cúi mình thấp dần xuống lễ Phật. Có thể cảm nhận được lòng kính ngưỡng đức Phật từ vị ni sư, tập trung đến mức không nhận biết xung quanh có ai nữa. Người tôi gai ốc nổi lên.

Rất tự nhiên, mọi người xung quanh cũng bớt ồn và lặng đi, hướng về phía Đàn lễ. Chỉ có 1 lễ thôi. Từ lúc ấy, tôi hiểu ra lễ Phật bằng tấm lòng thành kính chân thật là thế nào. Sau này, càng học càng hiểu Trí tuệ và lòng Từ bi vô hạn của Phật Thích Ca, càng thấy kính phục, yêu mến Ngài, thì lễ Phật cũng khác dần đi.

Lễ còn được dùng khi thăm hỏi, gặp gỡ Thầy của mình và những vị Cao Tăng, Thạc đức, những thiện tri thức đáng kính. Khi cúi mình, hay gập mình xuống thấp để lễ, cũng tỏ rõ lòng kính trọng, khiêm tốn đến đâu.

 

Nhìn trong thực tế cũng rất thú vị. Hình thức chắp tay trước ngực, cúi mình chào, như một văn hóa chung ở nhiều nơi: Các nguyên thủ quốc gia Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam, và các nước Đông nam Á, thậm chí cả nguyên thủ quốc gia Châu Âu cũng thường dùng nghi thức chắp tay cúi mình trước quần chúng để chào, tỏ thái độ kính trọng, khiêm nhường, hòa đồng… Các Tôn giáo trên Thế giới, cũng có hình thức này      

Nhìn người Lễ Phật, thường cũng dễ thấy thái độ, tình cảm, thậm trí thấy cả trí tuệ của người lễ. Vì thế, các vị Tổ đời trước còn chỉ ra Lễ có 7 hình thức: 1- Ngã Mạn Lễ, 2-Cầu Danh Lễ, 3-Thân Tâm Cung Kính Lễ, 4-Phát Trí Thanh Tịnh Lễ, 5-Biến Nhập Pháp Giới Lễ, 6-Chánh Quán Tâm Thành Lễ, 7-Thật Tướng Bình Đẳng Lễ.

Phân chia như thế, nhưng người Phật tử lễ Phật dù ở đâu, vào lúc nào, cũng xuất phát từ lòng thành kính chân thật. Cho nên, cũng cần tìm đọc Tiểu sử cuộc đời của Phật để có nhận thức, có tình cảm, có “Chánh Niệm”.

Nhưng, có những động tác Lễ Phật cầu nguyện cần bỏ, chẳng nên đứng chắp tay lẩm bẩm cầu xin, vừa vẫy tay như băm băm chặt chặt món gì; hay vừa đi vừa vẫy vẫy vội vã lễ khắp quanh Chùa như múa chèo v.v…  

 III- TỤNG KINH, ĐÁNH CHUÔNG, GÕ MÕ:

Nhớ ngày xưa tôi thỉnh hỏi Thầy, phải đánh chuông gõ mõ thế nào? Thầy cũng bảo “Đánh thế nào chẳng được…”. Rồi một lần Thầy giảng Pháp, nói với các Phật tử rằng: “Phải nghĩ kỹ xem Tụng Kinh để làm gì chứ? Phật đã nói Kinh để dạy mình, chứ đâu cần Phật tử khoe là: Con thuộc Kinh lắm rồi, con Tụng nhanh lắm rồi đây này…”. Thầy nói thế là phải tìm đọc, rồi suy nghĩ kỹ.

Sách “Tăng già thời Đức Phật” của Thượng tọa Thích Chơn Thiện, kể rằng:

Buổi sáng, sau khi kinh hành, các Tỳ-kheo đi khất thực cũng như chính đức Phật cũng đi khất thực… Khất thực xong, các vị trở về trú xứ nghỉ chân và dùng bữa trưa. Sau bữa ăn, các vị ngồi nghỉ chốc lát, rồi đến một nơi hoang vắng thực hành thiền định… Gần đến xế chiều, các vị trở lại trú xứ để nghe đức Phật, hoặc các đại Trưởng lão, giảng pháp… Sau thời pháp, các Tỳ-kheo thường bàn bạc với nhau về giáo lý, về kinh nghiệm tu tập. Các vị học hỏi nhau, tìm hiểu nhau; có điều gì khó khăn thì bạch với đức Phật, hoặc các Trưởng lão để được dẫn giải.

Như vậy, việc học thuộc lời dạy của Đức Phật, rồi suy nghĩ cho hiểu nghĩa dần ra để tu tập, để ứng xử trong thực tế, là tất nhiên.

Chẳng biết chuông mõ có từ bao giờ, nhưng sách “Nghi lễ Phật Giáo” của Trương Bội Phong (Trung Quốc), cho biết, có cao Tăng ở Đông Phổ, tên Đạo An, chế định ra nghi thức tụng niệm trong Chùa. Nghi thức này đến cuối đời Minh dần thành quy chế, có các thời khóa tụng niệm sáng – chiều rất nghiêm ngặt.

Các Phật tử có thể tham khảo Nghi thức tụng Kinh, qua bài “Ý nghĩa tụng Kinh, trì chú, niệm Phật” của Hòa thượng Thích Thiện Hoa; bài “Nghi thức Tụng kinh Đại thừa” của Chùa Hải Đức; bài “Ý nghĩa Nghi lễ Phật giáo” của Thượng tọa Thích Viên Giác.

Tuy nhiên, có thể hiểu:

+ Một khóa tụng kinh, thực chất là một buổi học, tìm hiểu ý nghĩa Giáo lý của Phật nói trong Kinh. Tụng nhiều mà không hiểu gì, không dùng được gì cho đời sống thực tế, thì lãng phí thời gian.

+ Một khóa tụng Kinh ở Chùa, thường có đông Phật tử, nên chuông mõ đúng nghĩa là hiệu lệnh để tất cả tụng đọc cho đều. Các chư Tăng-Ni, thường được rèn luyện sử dụng chuông mõ rất bài bản, tiếng đan xen có nhịp điệu.

+ Với Phật tử tụng Kinh ở nhà, không có chuông mõ cũng được, hoặc chỉ cần luyện gõ mõ cho đều, thỉnh thoảng đánh chuông vào đúng cuối đoạn Kinh văn, như nhắc nhở tâm được tỉnh táo.

Tuy nhiên, tham dự khóa Lễ Tụng trên Chùa, có nhiều điều lợi, như: Xây dựng thói quen nề nếp; có điều kiện học hỏi, tìm hiểu nghĩa Kinh từ Chư Tăng-Ni, hoặc bạn đồng tu; luyện được cách đọc tụng, học cách dùng chuông mõ; làm quen nếp sống hòa đồng mà giảm được “ngã mạn”; được thụ hưởng không khí trong lành, dễ luyện tâm an tĩnh v.v…

+ Khi dự khóa Lễ tụng, cần chú ý: ngoài việc theo hiệu lệnh chuông mõ của Chủ lễ, nhất thiết phải cất giọng đọc sau Chủ lễ 2-3 tiếng đầu, rồi hòa vào đọc cho đều. Tập trung theo dõi Kinh, không phân tâm việc khác. Tụng đọc Kinh, nên cẩn thận như đãi vàng, tìm ngọc, sáng suốt nhặt lấy những điều có ích lợi, dùng được trong đời sống thực trước đã.

  IV- ĐẠO PHẬT LÀ GÌ?

Khó có thể trả lời ngay được, vì còn phụ thuộc vào những kiến thức học được từ Giáo lý của Phật, và tùy theo nhận thức của mỗi người, mà có khi gọi là : Đạo Giác ngộ, Đạo Trí tuệ, Đạo Giải thoát, Đạo Từ bi, Thiện Đạo, là Chân lý, là Triết học, là Một lối sống, là Đạo Chân chính nhất, Đạo khoa học nhất,… Thế cũng biết rằng vẫn phải học hỏi, vẫn phải khám phá những điều thâm sâu trong Giáo lý của Phật.

Có thể hiểu thế này: những gì ta chưa biết, chưa thấy rõ, ví như có một màn tối đen che phủ trong đầu, trong mắt, gọi là màn “Vô minh”. Nếu có cách nào đấy, có phương pháp nào đấy, giúp cho ta thấy rõ sự thật sáng sủa trước mắt, giống như đã vén được cái màn vô minh ra một chút. Ví dụ như một đứa trẻ 2-3 tuổi, cứ chạy vô tư ra đường đầy xe cộ, chạy gần bờ ao, bờ sông, nó không biết thế là nguy hiểm. “Không biết” là “Vô minh”. Chỉ có người bố hoặc mẹ đã biết, thì ngăn chặn nó khỏi nguy hiểm thôi. Bao giờ nó lớn thêm, hiểu ra, là bớt “vô minh”

Đức Phật là duy nhất phá tan được màn vô minh ấy, nên Ngài thấy rõ tất cả thế giới chân thật nhất, đang hoạt động thế nào, thấy rõ thế giới ở quá khứ xa xưa, thấy rõ cả thế giới trong tương lai, thấy rõ đầu óc con người đang suy nghĩ lầm lẫn, đúng sai… Tất nhiên, Ngài phải thấy rõ chính thể xác mình, biết cách mở ra những quyền năng, biết quá khứ, biết tương lai, biết phải nói phải dạy thế nào cho chúng sinh v.v… Thấy rõ thế giới một cách sáng sủa đúng nhất, là Giác Ngộ… Đức Phật không dấu diếm khám phá của mình, mà chia xẻ cho nhân loại. Pháp của Ngài vẫn ở đấy.        

 V- CẦN HỌC TRƯỚC TIÊN 

  • Thực hành 5 Giới cấm:

          1/ Không sát sinh

          2/ Không trộm cắp

          3/ Không nói dối, không nói hai lưỡi

          4/ Không tà dâm

          5/ Không uống rượu

Nhiều Phật tử cho rằng, chỉ khi nào làm lễ “Thụ Ngũ giới”, thì mới phải thực hành giữ 5 giới trên. Thực ra, khi xin “Thụ nhận Ngũ giới”, chỉ bày tỏ hứa hẹn, quyết tâm, trách nhiệm giữ Giới cao hơn thôi. Giới là chuẩn Đạo đức để phân biệt Phật tử với người đạo khác. Đây cũng chỉ là những Giới tối thiểu nhất, quan trọng nhất thôi. Càng ở trình độ Đạo đức, trí tuệ cao hơn, Giới càng nhiều hơn.

Nhưng quan trọng hơn, giữ được Giới, là ta đã tự bước vào một lãnh thổ an toàn hơn, ít hiểm họa, ít hoạn nạn hơn. Cứ đánh dấu thời gian, và tự xem lại từng ngày, sẽ thấy. Không nên áy náy lo lắng không giữ trọn vẹn được Giới, bởi lẽ, khi còn mang thân xác con người ở thế gian này, còn đang tu, nghĩa là đang gột rửa cho trong sạch dần thôi. Nhưng nhất thiết phải luôn nhớ (Chánh Niệm), để mỗi ngày phải khác hơn, tiến bộ hơn, sẽ thấy phép mầu chẳng đâu xa cả. Đến lúc ấy, sẽ thấy gặp Đạo thật may mắn, vì còn nhiều người chưa biết những điều này.

  • Bài sám hối cơ bản:

Bài sám hối cơ bản, luôn có mặt trong tất cả các Khóa lễ tụng Kinh, nhưng dường như mọi người cứ đọc thành quen, chẳng để ý nghĩ nhiều về nó:

          “Con xưa đã tạo bao nghiệp ác

          Đều vì vô thủy Tham – Sân – Si

          Từ Thân – Miệng – Ý phát sinh ra …”

Cần suy nghĩ kỹ từng từ, từng chữ, để hiểu nghĩa, và hiểu quy luật phát sinh những lỗi lầm, mà chính những lỗi lầm này mang tai họa cho ta          . Đây là bí quyết để có nghệ thuật sống được tốt đẹp, bình an; là cơ sở để tiến tới những trình độ trí tuệ cao hơn. Luôn “Chánh niệm” vừa giữ Giới, vừa phải tu điều này.

Để dễ hiểu, tạm tóm lược như sau:

Tham: là tất cả những gì có dấu hiệu ham thích, ham muốn, đều là Tham, hay gọi là “Tham dục”, là “Dục”. Ta có thể tự liệt kê ra

Sân:   là tức giận, oán trách, ghen ghét, bực tức, không vừa lòng…

Si: là say mê đến mụ mị, như thích chơi games, hay ngồi vào chiếu cờ bạc, không dứt ra được; tình yêu (ái tình), cũng là dạng si mê mụ mị đi…  

3 thứ này, vẫn nằm trong đầu, là đang suy nghĩ, tính toán… vẫn chỉ nằm kín đáo ở dạng “Ý tưởng”, “Ý”. Như thế thì chưa có gì ghê gớm sảy ra, chưa phạm pháp, chưa mắc tội gì rõ cả…           

Nếu không có bản lĩnh dẹp được, nếu vẫn bị thúc giục “trộm cắp”, “tức giận”, “muốn chơi thêm một tý” … và bắt đầu thò tay thực hiện trộm cắp, bắt đầu tóm tóc nhau đánh đấm, bắt đầu ngồi vào chơi cờ bạc… là “Thân” đã thực hiện hành vi tội lỗi rồi, chứng cứ rõ ràng rồi. Như thế, chính do “Ý” (chứa đựng Tham, Sân, Si) đã thúc giục, sai khiến những hành động của “Thân” mà phạm lỗi… Trong các hình thức mắc lỗi, “Ý” còn điều khiển “lời nói” phát ra “miệng”. “Lời nói” có một tính chất rất đặc biệt. Lời độc ác, nhục mạ, chửi bới… cũng gây tổn thương tới người khác, thế là mắc lỗi rồi…  

“Ý” nằm sâu, kín đáo bên trong, nên còn gọi là “Tâm”. Đức Phật có bài Kệ nổi tiếng, đặt ở đầu tập “Kinh Pháp cú” (lấy trong “Những điều Đức Phật đã dạy”, của Hòa thượng, Tiến sỹ W. Rahula):

          Những trạng thái của Tâm (ý), đều có Tâm dẫn trước

          Do Tâm làm chủ đạo, và do Tâm tạo tác.

          Nếu ai Nói hay Làm, với cái Tâm ô nhiễm

          Đau khổ sẽ theo sau, như bánh xe theo dấu (chân bò)

Nếu biết quy luật xuất hiện những lỗi lầm như thế, sẽ biết rằng ta đã vô tình hay cố ý mắc nhiều lỗi từ bao giở bao giờ rồi. Nhưng tệ nhất là chẳng biết xin lỗi để giải những vướng mắc đi, những oán hờn vẫn dình dập ở đâu đây, thật nguy hiểm. Cũng từ hiểu biết quy lụật xuất hiện lỗi lầm, mà giúp ta biết thận trọng chế ngự Tâm, hay Ý.

C- Làm việc Thiện, tránh điều Ác, và thực hành Bố thí

+ Nếu giữ 5 Giới, và ngăn chặn được lỗi lầm như trên, đã gặt hái được nhiều điều tốt lành, kỳ diệu lắm rồi. Cần làm thêm điều thiện, giúp đỡ những người khác nữa. Điều Thiện và Ác, thấy rõ trong “Kinh Kàlàma” (Tăng Chi Bộ III.65 – Hòa thượng Thích Minh Châu dịch), khi Đức Phật dạy các người dân Kàlàma:    

Hành động gì có hại cho mình, có hại cho người, có hại cho cả hai, bị người trí chỉ trích; nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem lại tâm khổ sở, tâm ưu phiền. Hành động như vậy là hành động bất thiện, và chúng ta phải loại bỏ hành động ấy. 

Hành động gì không có hại cho mình, không có hại cho người, không có hại cho cả hai, được người trí tán thán; nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem lại tâm an lạc, tâm hoan hỷ. Hành động như vậy là hành động thiện và chúng ta phải thực hành”.

+ Bố thí, là chia xẻ, giúp đỡ người khác, bằng vật chất và tinh thần (góp ý, chỉ bảo những điều có ích lợi…), với thái độ đúng đắn, không cầu lợi. Dưới đây là một đoạn Kinh ngắn (trong Tăng Chi Bộ 5:148), được nêu trong tập “Những lời Phật dạy”, của Tỳ kheo Bodhi (Bình An Sơn dịch):

Này các tỳ-khưu, có năm loại bố thí này xứng bậc chân nhân. Thế nào là năm?

Bố thí có lòng tin, bố thí có kính trọng, bố thí đúng thời, bố thí với tâm không gượng ép, bố thí không làm thương tổn mình và người.

Khi bố thí với lòng tin, (quả dị thục của) sự bố thí ấy đem lại kết quả là người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và người ấy đẹp trai, dễ nhìn, có thành tín và thành tựu dung sắc thù thắng như hoa sen.

Khi bố thí có cung kính, (quả dị thục của) sự bố thí ấy đem lại kết quả là người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và các con trai, các bà vợ, các người nô tỳ, các người đưa tin, các người làm công, những người ấy đều sẵn sàng vâng theo người ấy, họ lóng tai và phục vụ với tâm hiểu biết.

Khi bố thí đúng thời, (quả dị thục của) sự bố thí ấy đem lại kết quả là người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và các vật dụng đến với người ấy đúng thời và sung túc.

Khi bố thí với tâm không gượng ép, (quả dị thục của) sự bố thí ấy đem lại kết quả là người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và hướng tâm thụ hưởng đầy đủ năm dục công đức.

Khi bố thí không làm thương tổn mình và người, (quả dị thục của) sự bố thí ấy đem lại kết quả là người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và tài sản của người ấy không bị tổn thất ở bất cứ nơi nào, từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ các người thù địch hay từ các người thừa tự.

Này các tỳ-khưu, đây là năm loại bố thí xứng bậc chân nhân.

D- Bồi đắp “Lòng biết ơn”

Phần đầu Bài Sám hối (trong các khóa lễ tụng) có câu: “Con nay xin vì bốn ân, ba cõi pháp giới chúng sinh, nguyện cho…”

“Bốn ân”: là 4 nơi có công đức lớn với ta, phải luôn ghi nhớ, biết ơn.

Bốn ân này vẫn có nêu, có lễ đến, nhưng cũng hay bị bỏ sót, xin hãy đọc lại trong mục có 22 lễ ở tập “Kinh A Di Đà huân tu”, sẽ thấy:

1/ “Thiên Địa phú tái chi ân, Nhật Nguyệt chiếu lâm chi đức”

2/ “Quốc gia xã hội chi ân, thủy thổ thuần dụng chi đức”

3/ “Sư Trưởng giáo huấn chi ân, Phụ Mẫu sinh thành chi đức”

4/ “Thập phương tín thí chi ân, tứ sự cúng dàng chi đức”

Trên đây là những nét sơ lược, đáp ứng nhu cầu cho các Phật tử tại gia mới vào học Đạo. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng lợi lạc rất nhiều, còn giúp dễ tiếp cận những Giáo lý thâm sâu hơn. Mỗi ý nhỏ ở trên, đều là những đề tài có thể diễn giải sâu rộng hơn. Các Phật tử nên tham khảo thêm trong tập “Để thành một Phật tử”, của cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, rất gọn gàng, rõ ràng, bổ ích.

Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chùa Vạn Niên, ngày 30 tháng 5 năm 2021

Phật tử Quảng Huy

Hình ảnh Phật Tử chùa vạn niên trong ngày Phật Đản

 

 

 

 

Chùa Vạn Niên