Trả lời

Bạn Hùng Trần và Bích Ngọc thân mến!

Trong bối cảnh dịch bệnh và thực hiện cách ly xã hội ở một số địa phương hiện nay có rất nhiều chùa, đạo tràng trong vùng dịch tổ chức tụng niệm trực tuyến, hàng Phật tử trong vùng dịch cần hoan hỷ phát tâm tham dự các thời khóa tu niệm này. Việc tụng niệm qua mạng là một phương tiện thiện xảo trong tu tập, tuy không trực tiếp đến chùa để lạy Phật, lễ thầy, tụng niệm, thăm hỏi đạo hữu nhưng vẫn duy trì và tiếp nối được năng lượng tu tập, khiến cho Phật tử vững lòng hơn trước vô vàn mất mát và biến động của đời sống.

Đến giờ tụng niệm online thì tập trung trước bàn thờ Phật của gia đình (hay một nơi thích hợp), mặc áo tràng hoặc y phục chỉnh tề, mở điện thoại hoặc máy tính để kết nối trực tuyến với chùa hay đạo tràng. Bấy giờ, mắt chúng ta nhìn thấy Phật điện, tai nghe rõ tiếng thầy/cô tụng kinh, hãy liên tưởng như đang ở chùa, sau khi đảnh lễ Tam bảo thì ngồi xuống mở kinh và nhất tâm tụng niệm theo cho đến khi hoàn mãn. Nếu không có gì chướng duyên (ồn náo hoặc nhà có chuyện) hay trở ngại (về kỹ thuật máy móc, đường truyền) thì thời tụng kinh niệm Phật trực tuyến qua mạng cũng an tịnh không khác gì lúc tụng niệm ở chùa vậy. Nhờ đó mà tam nghiệp được thanh tịnh, phước đức tăng trưởng, kết nối đạo tình.

Trước khi đi ngủ, các bạn thường “đi dạo và ghé thăm” các chùa đang tụng kinh trực tuyến cũng là điều hay. Tuy nhiên đây là thời điểm ngoài thời khóa công phu trực tuyến hàng ngày nên chúng ta có thể tùy duyên tham dự. Trong tinh thần phương tiện, các bạn có thể nằm nghe kinh pháp hoặc nhạc đạo cho đến khi đi ngủ. Việc nằm nghe kinh tuy không được khuyến khích nhưng thiển nghĩ, nghe kinh pháp trước khi ngủ dù gì cũng vẫn an tịnh hơn xem nghe các việc gây loạn động tâm tư.

Việc gia đình bạn chưa có bàn thờ Phật, muốn tụng kinh thì tạm thời có hai giải pháp. Một là, bạn có thể thiết lập thời khóa cố định hàng ngày hoặc cũng có thể tranh thủ những khi rảnh rỗi, muốn tụng kinh hãy đến ngồi trước bàn học/ bàn làm việc/nơi thích hợp, mở máy tính hay điện thoại có hình Phật/hình chánh điện, sau đó lễ bái Tam bảo rồi tụng niệm (ra tiếng hoặc thầm) và hồi hướng y theo Nghi thức Tụng niệm. Hai là, nếu đã học thuộc kinh chú rồi thì trong những lúc làm việc nhà (không cần tập trung cao) bạn có thể tùy duyên tụng niệm (ra tiếng hoặc thầm) với tâm chí thành, tha thiết và tôn kính. Các bạn cũng có thể mở băng đĩa quý thầy/cô thuyết pháp, tụng kinh, niệm Phật, trì chú để vừa làm vừa nghe thêm.

Cần lưu tâm là việc tụng kinh, nghe pháp dù bất cứ lúc nào và ở đâu, cốt yếu vẫn là để hiểu lời Phật dạy. Sau khi hiểu lời Phật dạy rồi thì ghi nhớ để ứng dụng thực hành. Sau một thời gian thực hành Phật pháp thì nhận ra có sự chuyển hóa của thân, miệng, ý theo hướng thiện nghiệp; thân tâm an tịnh, hoan hỷ; phước đức và trí tuệ ngày một tăng thêm. Được như vậy mới có thể xem việc tu tập, tụng niệm của mình có tiến triển và đạt thành quả.

Chúc các bạn tinh tấn!

Trả lời

Phật tử nên nhớ rằng, thân tứ đại tuy có tan rã, nhưng nghiệp thiện ác mà chúng ta đã gây tạo, thì sẽ không bao giờ mất. Ảnh minh họa

Phật tử nên nhớ rằng, thân tứ đại tuy có tan rã, nhưng nghiệp thiện ác mà chúng ta đã gây tạo, thì sẽ không bao giờ mất. Ảnh minh họa

Xin thưa ngay là không có gì mâu thuẫn cả. Phật tử nên nhớ rằng, thân tứ đại tuy có tan rã, nhưng nghiệp thiện ác mà chúng ta đã gây tạo, thì sẽ không bao giờ mất. Vì tất cả đều được huân chứa vào trong kho tàng thức hết. Nếu cho rằng mất hết, thì sẽ rơi vào tà thuyết của phái “Ðoạn Kiến” ngoại đạo. Như thế, thì sẽ không tin có quả báo đời sau. Và như thế, thì thế gian này sẽ trở thành đại loạn. Vì không còn ai tin tưởng vào luật nhân quả báo ứng nữa cả. Và như thế, thì quả thật đó là một họa hại rất lớn cho xã hội loài người.

Ðể Phật tử hiểu rõ hơn về vấn đề này, tôi xin tạm nêu ra đây một thí dụ. Thí như trong lúc Phật tử chiêm bao, thấy mình bị rắn cắn hay bị ma quỷ rượt bắt, thử hỏi lúc đó Phật tử có hốt hoảng kinh sợ không? Vậy thì cái gì làm cho Phật tử hốt hoảng kinh sợ? Có phải cái thân kinh sợ hay là cái tâm thức của phật tử kinh sợ? Rõ ràng, cái thân xác của Phật tử thì đang nằm ngủ mê say trên giường kia mà! Như vậy, thì thử hỏi cái gì sợ hãi và cái thân nào cấm đầu cấm cổ chạy trối chết để tìm phương thoát nạn? Có phải cái thân phật tử đang nằm ngủ chạy không? Không phải cái thân đó, vậy thì cái thân nào chạy?

Như vậy, trong lúc chiêm bao ta vẫn thấy có thân và có sự buồn khổ hay vui sướng. Có lúc ta thấy mình đi chơi ăn uống nhậu nhẹt say sưa tiệc tùng với bạn bè. Cũng có khi mình cảm thấy đói khát khổ sở đi lang thang tìm kiếm thức ăn. Và đôi lúc lại thấy thân mình bị người khác đánh đập hành hạ rất là đau đớn khổ sở! Và có lúc lại thấy thân mình nhẹ nhỏm bay bổng lên trời cao…Vậy thì, cái thân mà ta cảm nhận có sự vui khổ như thế là cái thân nào? Có phải cái thân ta đang nằm ngủ hay cái thân trong chiêm bao?

Cũng thế, khi ta đọa vào địa ngục A Tỳ bị hình phạt đau đớn khổ sở, trạng thái đó cũng giống như trong lúc ta đang chiêm bao thấy thân ta bị hành phạt đau khổ vậy. Tuy cái thân xác tứ đại đã tan rã, nhưng tùy theo cái nghiệp ác đã gây tạo, mà ta phải chiêu cảm thọ cái báo thân khác để thọ khổ ở trong địa ngục. Và cái báo thân này, với con mắt phàm tục của chúng ta thì làm sao ta thấy được? Cũng giống như trong lúc ta đang chiêm bao, thấy thân mình đang hoạt động ăn uống, nói cười, vui chơi hoặc bị người khác tra tấn hành phạt đánh đập… vậy thì, thử hỏi có ai thấy được cái thân đó không? Tuy không ai thấy biết, mà cái thân đó có cảm nhận những việc xảy ra hay không có? Chắc chắn không ai dám phủ nhận là không có cái thân đang xảy ra trong chiêm bao.

 

Nếu cho rằng mất hết, thì sẽ rơi vào tà thuyết của phái “Ðoạn Kiến” ngoại đạo. Như thế, thì sẽ không tin có quả báo đời sau. Và như thế, thì thế gian này sẽ trở thành đại loạn. Vì không còn ai tin tưởng vào luật nhân quả báo ứng nữa cả. Ảnh minh họa

Nếu cho rằng mất hết, thì sẽ rơi vào tà thuyết của phái “Ðoạn Kiến” ngoại đạo. Như thế, thì sẽ không tin có quả báo đời sau. Và như thế, thì thế gian này sẽ trở thành đại loạn. Vì không còn ai tin tưởng vào luật nhân quả báo ứng nữa cả. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, có điều, ta cũng nên biết rằng, những hiện tượng xảy ra trong lúc chiêm bao là không thật, nhưng đang khi chiêm bao ta vẫn cảm nhận là thật có. Nếu không, thì tại sao ta lại cười khóc và lo sợ? Chỉ khi nào ta giật mình thức dậy, thì mới biết đó là cảnh tượng trong chiêm bao và chừng đó bao nhiêu sự lo âu sợ hãi mới thực sự tan biến hết. Cũng thế, tuy cảnh tượng bị hành phạt khổ sở ở trong địa ngục là không thật, nhưng trong lúc còn đang mang nghiệp thức si mê, tất nhiên là ta cũng phải cảm nhận sự đau khổ. Bao giờ chứng ngộ được chân lý toàn triệt rồi, thì lúc đó ta mới nhận ra rằng cảnh giới địa ngục là hư giả không thật. Như Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác đã nói trong Chứng Ðạo Ca:

Chứng thật tướng vô nhơn pháp

Sát na diệt khước A Tỳ nghiệp.

Muốn diệt hết nghiệp A Tỳ trong một sát na, với điều kiện là chúng ta phải thực chứng “Thật Tướng” của vạn pháp.

Thế mới biết, một người đã gây tạo tội ác, sau khi chết đọa vào địa ngục a tỳ như Phật tử đã nói, thì sự hành phạt khổ đau, tất nhiên là không phải ở nơi trên thân xác tứ đại, mà chính là do ở nơi thần thức của họ cảm nhận cái báo thân địa ngục thọ khổ đó thôi. Khác nào như người sợ hãi trong giấc chiêm bao vậy. Tuy thân xác không biết gì (dụ như thân xác tứ đại đã bị tan rã) nhưng tâm thức của họ thì lại quá khiếp đảm chịu đựng khổ đau. Như vậy, địa ngục có là có đối với những ai đã gây tạo tội lỗi. Còn không có là đối với những người mà họ không gây tạo ác nghiệp. Như cảnh tượng đau khổ trong chiêm bao là có đối với những người mà họ đang ngủ say chiêm bao. Còn không có là đối với những người không ngủ.

Chúng tôi thiết nghĩ, qua thí dụ đó, chắc có lẽ Phật tử cũng tạm hiểu phần nào và sẽ không còn cho là mâu thuẫn nữa. Thật ra, vì chúng ta còn sống trong vòng vô minh nghiệp thức, nên sự hiểu biết của chúng ta rất là cạn cợt hạn hẹp sai lầm. Chỉ nhận thức theo quan niệm phân biệt của vọng thức phàm tình mà thôi. Khác nào như người bị bịnh nhặm mắt, thấy hoa đốm lăng xăng trong hư không. Nhưng kỳ thật thì hư không vốn không có hoa đốm. Sở dĩ thấy thế là bởi do bị bịnh nhặm mắt mà ra. Còn đối với những người không bị bịnh nhặm mắt thì họ thấy trong hư không là cả một bầu trời trong tạnh.

Theo thế giới quan của Phật giáo, thì trong vũ trụ bao la có muôn loài chúng sinh mang nghiệp báo khác nhau. Tùy theo mỗi nghiệp báo mà chúng sinh thọ mỗi thân hình khác nhau. Báo thân loài người là một trong vô số báo thân. Do đó, nên sự thọ khổ ở cảnh giới địa ngục cũng là một báo thân. Ðó là, chúng ta nhìn theo quan điểm sự tướng. Nếu căn cứ vào lý tính, thì địa ngục có ra cũng chính là ở nơi tâm ta. Những hình phạt bị khổ đau vày vò bức bách khó chịu, cũng chính do ở nơi tâm ta thọ nhận. Tất cả đều từ tâm mà ra. Ðịa ngục hay thiên đường, sinh tử hay Niết bàn, không có gì ngoài tâm ta cả. Tâm vô minh vọng chấp đó là địa ngục. Tâm sáng suốt buông xả mọi thứ dục tình đó là tâm hạnh phúc Niết bàn.

Theo thế giới quan của Phật giáo, thì trong vũ trụ bao la có muôn loài chúng sinh mang nghiệp báo khác nhau. Tùy theo mỗi nghiệp báo mà chúng sinh thọ mỗi thân hình khác nhau. Ảnh minh họa

Theo thế giới quan của Phật giáo, thì trong vũ trụ bao la có muôn loài chúng sinh mang nghiệp báo khác nhau. Tùy theo mỗi nghiệp báo mà chúng sinh thọ mỗi thân hình khác nhau. Ảnh minh họa

Nhân đây, chúng tôi cũng xin được nói thêm để phật tử có thể hiểu rõ hơn giữa thân và tâm. Ðể Phật tử biết rõ cái nào quan trọng và cái nào thứ yếu. Nếu xét kỹ, thì cái thân này giống như chiếc xe. Chiếc xe tuy đủ bộ phận, nhưng nếu không có anh tài xế lái, thì chiếc xe vẫn phải nằm yên một chỗ. Như vậy, chiếc xe tùy thuộc vào anh tài xế mà có hoạt động. Như có người dùng cây đập mạnh vào chiếc xe, thử hỏi chiếc xe có bị đau không? Chiếc xe là vật vô tri vô giác làm gì biết đau. Tuy chiếc xe không đau, nhưng anh tài xế rất đau. Bởi anh ta cho chiếc xe đó là của ảnh. Do sự chấp chặt đó nên ai đụng tới chiếc xe là đụng tới ảnh. Do đó mà anh ta phải ra sức cố bảo vệ chiếc xe tối đa. Tuy dù có cố gắng bảo vệ tới đâu, nhưng cuối cùng chiếc xe đó cũng không thể nào tồn tại.

Xét kỹ, cái thân này cũng giống như chiếc xe. Tài xế là dụ cho tâm thức của chúng ta. Khi tâm thức còn ở trong thân, thì nó điều khiển cái thân. Cái thân hoạt động là do nó. Khi nó ra khỏi thân, giống như anh tài xế ra khỏi xe, thì dù cho cái thân vẫn còn đủ bộ phận đó, nhưng tuyệt nhiên không có hoạt động gì cả. Lúc đó, người ta gọi là chết. Như vậy, cái gì biết đau? Cái xe đau hay anh tài xế đau? Cái thân đau hay tâm thức biết đau? Rõ ràng là cái tâm thức biết đau. Nhưng lâu nay, tại vì mình chấp chặt cái thân này là mình rồi, nên mình nói cái thân đau chớ ít có ai biết đó là cái tâm đau. Vì thế, nên Phật nói tất cả đều do tâm ta mà ra. Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ tạo tác tất cả. Kinh nói: “Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức” là thế.

Như vậy, sự cảm nhận biết khổ hay vui là chính ở nơi tâm chớ không phải ở nơi thân. Tuy rằng giữa thân và tâm có sự liên quan mật thiết với nhau. Thân chỉ là một sự quan hệ công cụ của tâm mà thôi. Nói cách khác, tâm là gốc mà thân chỉ là ngọn phụ thuộc. Do nghĩa này, nên khi sống ta nên khéo biết lợi dụng thân để tu hành. Lợi dụng khác với nghĩa nô lệ hay hủy hoại. Ta không nô lệ hay hủy hoại nó. Mà ta cần phải trân kính và biết ân nó. Vì nhờ nó mà ta mới tu hành giải thoát. Cũng như ta phải khéo biết lợi dụng chiếc xe để chở ta đến nơi an toàn mà ta mong đến đích.

Hiểu thế, thì hằng ngày chúng ta không nên nô lệ cho thân, vì có nô lệ cho nó, cưng chiều nâng niu nó đến đâu, cuối cùng rồi nó cũng phải tan rã. Thế nhưng, ở đời, ít có ai nghĩ đến cái tâm mà ai ai cũng chỉ lo cung phụng và bảo vệ cho cái thân.

Bởi thế, nên Phật mới quở chúng ta là những kẻ si mê điên đảo. Do chấp cái thân này quá sâu nặng nên đến khi chết rồi mà người ta vẫn nghĩ còn mang nó theo. Giống như Phật tử nghĩ, nếu như không có cái xác thân tứ đại, thì cái thân nào chịu hành phạt khổ sở ở nơi địa ngục vậy. Ðó là căn bệnh chấp ngã sâu nặng chung của tất cả chúng sinh.

Thích Phước Thái

Trả lời

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ðáp: Câu hỏi này, chúng tôi xin được giải đáp góp ý qua hai phương diện: “hết nghiệp và còn nghiệp”.

Về phương diện dứt hết nghiệp, tức không còn mầm mống sanh tử nữa, thì sau khi chết không có sanh đi đâu hết, vì người tu khi đã đạt được cứu cánh Niết bàn rồi, thì hằng an trụ nơi thể tánh vô sanh. Đó là mục đích cứu cánh của người tu. Nếu còn sanh, chứng tỏ công phu tu hành của hành giả chưa viên mãn.

Có lần, các vị Tỳ kheo hỏi Phật: Một vị A la hán sau khi chết sanh về đâu? Phật trả lời: “Như củi hết lửa tắt”. Củi là dụ cho nghiệp, lửa là dụ cho bản thể. Củi hết là dụ cho nghiệp không còn. Vì hễ còn nghiệp là còn sanh, hết nghiệp là hết sanh.

Hiện tượng thì có sanh diệt, còn bản thể thì làm gì có sanh diệt? Như sóng thì có sanh, có diệt, còn chất ướt của nước thì không sanh không diệt.

Như vậy, khi lửa tắt không thể nói lửa sanh về đâu. Cũng như sóng dừng, thì không thể hỏi sóng đi về đâu. Khi hiện tượng lặng dừng thì trở về bản thể, chớ không có sanh đi đâu hết.

Tuy không sanh đi đâu, nhưng các Ngài vẫn tùy duyên ứng hóa. Do đó, mà chúng ta thấy chư Phật, Bồ tát thường ứng thân thị hiện khắp nơi để độ sanh.

Đối với các Ngài sanh mà không sanh, diệt mà không diệt. Vì các Ngài không còn thấy có tướng sanh diệt, tới lui, như phàm phu chúng ta nữa.

Về phương diện còn nghiệp, sau khi chết, tất nhiên là còn sanh. Vì còn vô minh phiền não, tất nhiên, là còn có tướng sanh diệt, tới lui, đến đi.

Luận về phương diện nầy, chúng tôi xin được y cứ vào Kinh điển Phật Tổ chỉ dạy để nêu ra ba luận cứ để chứng minh.

1. Y cứ vào luật nhân quả:

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Căn cứ theo luật nhân quả, hễ chúng ta gây tạo nhân nào thì sẽ gặt hái quả đó. Nếu như hiện đời chúng ta chuyên gây tạo nghiệp lành, thì sau khi chết tất nhiên là chúng ta sẽ thác sanh về cảnh giới lành.

Kinh Pháp Cú Phật dạy:

Dục tri tiền thế nhân

Kim sanh thọ giả thị

Yếu tri lai thế quả

Kim sanh tác giả thị.

Nghĩa là: Nếu muốn biết cái nhân đời trước của mình đã gây tạo như thế nào, thì hãy xem cái quả báo hiện tại mà mình đang mang đây. Nếu muốn biết cái quả báo đời sau của mình như thế nào, thì chúng ta hãy nhìn kỹ lại cái nhân hiện tại mà mình đang gây tạo. Như vậy, nếu hiện tại mình làm điều lành như bố thí, cúng dường, ăn chay, giữ giới, niệm Phật … thì chắc chắn đời sau mình sẽ hưởng quả báo tốt đẹp.

Xin tạm nêu ra đây hai thí dụ cụ thể để Phật tử hiểu rõ hơn. Thí như anh B chuyên đam mê cờ bạc, hằng ngày anh ta thường hay đi vào casino để đánh bài. Đó là vì anh ta nghiện cờ bạc quá nặng. Khi không thấy anh ấy ở trong nhà, nếu muốn biết hắn ở đâu, thì cứ đi vào sòng bạc là sẽ gặp anh ta ngay. Sòng bạc là “quả ”, dụ cho cảnh giới mà anh B sẽ đến. Nghiện cờ bạc là “nhân”. Vắng nhà là dụ cho sau khi chết.

Một ví dụ khác, như có một Phật tử thường xuyên tới chùa tu học làm công quả hằng ngày, đó là nghiệp nặng đi chùa. Tất nhiên đây là nghiệp lành. Hành động thường tới lui chùa, đó là cực trọng nghiệp. Ngày nào không đi là không được. Chùa là dụ cho cảnh giới lành mà người Phật tử đến. Vắng nhà là dụ cho sau khi chết.

Qua hai thí dụ đó, chúng ta thấy hướng tái sanh của người khi hiện đời tạo nghiệp lành hoặc dữ mà có sự thọ sanh khác nhau.

Tổ Qui Sơn có dạy: “Như nhơn phụ trái, cường giả tiên khiên”. Nghĩa là như người mắc nợ, ai mạnh thì đòi trước. Nghiệp nào mạnh thì sẽ lôi chúng ta đi trước để trả quả báo mà hiện đời chúng ta đã gây tạo.

Thế thì, muốn biết đời sau mình tái sanh về cảnh giới nào, thì hãy cứ nhìn kỹ lại cái nghiệp nhân mà hiện đời mình đang gây tạo đây. Nếu đã gây nghiệp nhân ác mà muốn sanh về cảnh giới lành, thì điều đó là một nghịch lý, trái với luật nhân quả và sẽ không bao giờ có.

Tuy nhiên, vấn đề nầy, còn tùy thuộc vào Cận tử nghiệp, tức cái nghiệp gần sắp chết. Nếu cả đời mình tu tạo nhân lành ( tích lũy nghiệp) mà đến giờ phút hấp hối sắp lâm chung, bỗng khởi một niệm ác, thì khi nhắm mắt, tất nhiên là chúng ta phải theo niệm ác đó mà chiêu cảm quả báo.

Tuy rằng, sự trả quả báo của cận tử nghiệp thời gian không lâu lắm. Cuối cùng, cũng phải trở về với tích lũy nghiệp. Như vậy, cái tích lũy nghiệp không bao giờ mất.

2. Y cứ vào những thụy ứng:
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu y cứ vào những hiện tượng thụy ứng, chúng ta cũng có thể biết được người đó được vãng sanh về cảnh giới lành. Hiện tượng này, sách sử đã ghi lại có rất nhiều người tu theo Tịnh môn niệm Phật, khi lâm chung đã để lại thụy ứng (điềm lành gọi là xá lợi ) vãng sanh.

Nếu Phật tử muốn biết rõ, xin đọc Mấy Điệu Sen Thanh do cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm biên soạn, sách gồm có hai tập: I và II, xuất bản ấn tống tại Sydney – Úc Châu, năm 1994. Và quyển Những Chuyện niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi, xuất bản năm 2000 tại Hoa Kỳ, do cư sĩ Tịnh Hải sưu tầm.

3. Y cứ qua kinh nghiệm của các bậc Cổ Đức:

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo kinh nghiệm của Cổ Đức chỉ dạy, khi người mới chết trong vòng vài tiếng đồng hồ trở lại, muốn biết họ thác sanh về cảnh giới nào, thì người nhà có thể lấy tay sờ vào những nơi ứng nghiệm như sau:

Nếu toàn thân lạnh hết mà chỉ có trên đảnh đầu còn nóng, thì biết rằng người đó sẽ sanh về cảnh giới Phật. Còn như nóng ở nơi con mắt, thì biết người đó sẽ sanh về cõi trời. Nóng ở ngực, thì sanh lại cõi người. Nóng ở bụng, thì sanh về ngạ quỷ. Nóng ở đầu gối, thì sanh vào loài súc sanh. Nóng ở dưới lòng bàn chân, thì sẽ sanh vào địa ngục.

Do sự ứng nghiệm đó, nên Cổ Đức có làm bài kệ tóm tắt cho chúng ta dễ nhớ :

Đảnh Thánh nhãn sanh thiên

Nhơn tâm ngạ quỷ phúc

Bàng sanh tất cái ly

Địa ngục khước môn xuất.

Tạm dịch:

Thánh đầu, trời tại mắt

Người tim, ngạ quỷ bụng

Súc sanh hai chân xuống

Địa ngục bàn chân ra.

Thích Phước Thái

Trả lời

Nếu thân quyến của chúng ta sau khi chết tái sanh làm người thì sự cúng kiến, cúng giỗ trên nhân thế cũng chỉ là sự tưởng nhớ đến họ và đó cũng chỉ là sự họp mặt giữa những người trong gia đình với nhau. Ảnh minh họa
Nếu thân quyến của chúng ta sau khi chết tái sanh làm người thì sự cúng kiến, cúng giỗ trên nhân thế cũng chỉ là sự tưởng nhớ đến họ và đó cũng chỉ là sự họp mặt giữa những người trong gia đình với nhau. Ảnh minh họa

Đáp: Việc cúng cơm cho người đã mất cho dù ăn được hay không ăn được thì cúng vật thực cũng có nhiều điều bất ổn. Phật tử nên hiểu rằng nếu tổ tiên ông bà đã tái sinh cõi khác thì việc cúng cơm ai sẽ ăn?  Nếu họ càng mong chờ hưởng của con cháu cúng, họ càng mất phước, vậy sao không làm phước hồi hướng (bố thí, cúng dường, phục vụ, phóng sinh, giữ giới, tham thiền...) để họ hoan hỷ phước ấy của con cháu mà sớm siêu sinh?

Nếu thân quyến của chúng ta sau khi chết tái sanh làm người thì sự cúng kiến, cúng giỗ trên nhân thế cũng chỉ là sự tưởng nhớ đến họ và đó cũng chỉ là sự họp mặt giữa những người trong gia đình với nhau. Người đã khuất cũng đã đi tái sanh theo nghiệp của mình đã tạo có một cuộc sống mới trong kiếp lai sinh. Nếu ở cõi người, có được nhiều phước báu thì cuộc sống cũng sẽ an lành hạnh phúc, thiếu phước thì cuộc sống bội phần cũng vất vả, long đong.

Nếu biết tận dụng thời gian ngắn ngủi khi còn hiện hữu trên nhân gian này để tạo dựng thiện sự, hành trì Pháp bảo là cơ duyên to lớn cho những ai đã và đang đi trên đạo lộ diệt trừ khổ đau hướng đến hạnh phúc cao thượng.
Nếu biết tận dụng thời gian ngắn ngủi khi còn hiện hữu trên nhân gian này để tạo dựng thiện sự, hành trì Pháp bảo là cơ duyên to lớn cho những ai đã và đang đi trên đạo lộ diệt trừ khổ đau hướng đến hạnh phúc cao thượng.

Được tái sanh làm người là một phước duyên to lớn nhờ sự trợ duyên của thiện nghiệp, nếu thân nhân quá vãng được sanh lại cõi nhân loại thì đây là cơ hội quý báu để tạo dựng thiện nghiệp công đức và tu tập. Bởi thân người khó được, thành tựu sự sống lâu và có được sức khỏe, trí tuệ cũng là một loại phước báu thù thắng.

Bởi vậy, nếu biết tận dụng thời gian ngắn ngủi khi còn hiện hữu trên nhân gian này để tạo dựng thiện sự, hành trì Pháp bảo là cơ duyên to lớn cho những ai đã và đang đi trên đạo lộ diệt trừ khổ đau hướng đến hạnh phúc cao thượng.

Trả lời

Mê tín:

Nếu chúng ta khẳng định rằng mọi sự cầu nguyện đều được toại nguyện, đó là mê tín. Vì sao? Bởi vì, nếu cầu nguyện mà được, thì không cần nói đến nhân quả nghiệp báo. Nếu mọi sự kiện xảy ra đều do nhân quả thì sự cầu nguyện khó mà toại nguyện. Bởi lẽ, thế gian có kẻ tạo nghiệp lành, người tạo nghiệp dữ. Người tạo nghiệp lành khi phước báo đến thì được như nguyện. Kẻ tạo nghiệp dữ khi nghiệp báo đến, dù có nguyện cầu cũng khó thoát khỏi quả khổ. Thế thì làm sao dám cố định cầu nguyện là được như ý. Người chấp cố định, là sai lầm không hợp lý, nên thuộc mê tín.

Chánh tín:

Chúng ta chỉ xem cầu nguyện như những lời chúc lành là chánh tín. Vì quý kính cha mẹ, quý kính người thân, chúng ta hằng cầu nguyện cho những vị ấy song có được như nguyện hay không, còn tùy thuộc phước duyên dày mỏng của những vị ấy. Mặc dù không được như nguyện, cũng nói lên được lòng hiếu thảo chân thành của chúng ta. Cũng như vì hiếu kính những người trưởng thượng, những bạn bè thân hữu, đầu năm mọi người chúc lành cho nhau. Những lời chúc lành này không hẳn thể hiện được, nhưng cũng nói lên được lòng quí mến nhau.

Chúng ta chỉ xem cầu nguyện như những lời chúc lành là chánh tín. Ảnh minh họa

Chúng ta chỉ xem cầu nguyện như những lời chúc lành là chánh tín. Ảnh minh họa

Hơn nữa, người tu Phật cầu nguyện với mục đích phá tan tâm niệm vị kỷ của mình. Bất cứ một Phật sự nào, chúng ta đều hồi hướng nguyện cầu cho tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo. Mới nghe qua dường như những lời nguyện suông, không thể thực hiện được. Song trên tinh thần phá ngã, cứ lập tới, lập lui mãi tâm niệm vì tất cả chúng sanh, khiến người ta quên bẵng bản ngã riêng tư của mình. Mọi việc làm đều không phải vì mình, không được nghĩ lợi ích riêng cho mình, mà phải vì nhân loại, vì tất cả chúng sanh. Hằng ngày cứ huân tập mãi tâm niệm này, đến một khi nào đó, chúng ta không còn thấy bản ngã riêng, đồng hóa mình và chúng sanh không khác. Thế là chúng ta phá được chấp ngã và phát tâm đại từ bi, xem mọi khổ vui của người như của chính mình. Hiểu cầu nguyện và ứng dụng cầu nguyện như vậy, quả thật là chánh tín.

Trích "Sách Bước đầu học Phật" 

HT. Thiền sư Thích Thanh Từ

Trả lời

Trong những năm 1960 đến 1965, khi còn là học Tăng tại Tổ Đình Linh Sơn, Bà Rịa, các Tăng Ni sinh tu ở non núi, Đức Tôn sư quy định thời công phu khuya vẫn có tụng bài tán trống, nhưng chỉ được tụng phẩm Phổ Môn, Đại Bi, Thập Chú, Bát Nhã, Hồi Hướng, chớ không tụng Thần Chú Lăng Nghiêm. Đó là quy định riêng của Tổ Đình Linh Sơn dành cho Tăng Ni sinh và cũng là để cầu an cho thân tâm mình, bá gia bá tánh an cư lạc nghiệp, thiên hạ thái bình, chiến tranh không tiếp diễn. Cho đến khi hạ sơn, tản cư về nhiều nơi, lúc bấy giờ, Sư mới có dịp học và tụng Thần Chú Lăng Nghiêm theo thời khóa biểu thiền lâm của vùng đồng bằng.

Việc Đức Tôn sư dạy đại chúng tụng kinh Phổ Môn thay thời khóa công phu khuya cho thấy phẩm kinh Phổ Môn quan trọng đến mức nào khi được diễn dương vi diệu pháp tại thế giới ta bà nầy. Hiệu quả của những năm tu học thời niên thiếu tại trú xứ của Sư có đến gần 600 Tăng Ni tu hành tại Tổ Đình; do từ lực của Đức Bồ Tát Quan Âm hộ trì nên sinh hoạt tu hành không phức tạp, không còn nghĩ ngợi đến chuyện thế gian, thân tâm mọi người an lạc, định tĩnh trước các phan duyên, xa lìa dục nhiễm, không hoen ố trần tục, không đam mê trần tục, không bị lửa dục thiêu đốt, không bi nước ái nhấn chìm cuốn trôi, không bị thiên ma la sát quấy phá. Người Phật tử xưng tụng Tăng Ni lúc bấy giờ là những tiên đồng ngọc nữ ở núi Bồng Lai. Bạn ơi, với Sư tụng kinh Phổ Môn hiệu quả như thế đó.

Phẩm Phổ Môn, thuộc bổn môn, tức là lời Phật dạy về những hạnh lành của Bồ Tát Quan Âm.
Phẩm Phổ Môn, thuộc bổn môn, tức là lời Phật dạy về những hạnh lành của Bồ Tát Quan Âm.

Giới thiệu kinh Phổ Môn:

Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa có 28 phẩm. Phẩm kinh Phổ Môn là phẩm thứ 25, do Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch từ tiếng Tây Vức ra tiếng Hán. Tại Việt Nam vào năm 1947 Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch ra tiếng Việt. Bản dịch của Cụ Đoàn Trung Còn vào năm 1937 được đối chiếu từ tiếng Hán-Pháp để dịch ra tiếng Việt tại Saigon (Giác Ngộ Online Thư viện Hán Tạng - Lịch sử Kinh Pháp Hoa - Thời kỳ quốc ngữ). Ngoài ra vào năm 1973 bản thân Sư có đọc bản Kinh của Hòa Thượng Trương Văn Đó dịch ra tiếng Việt tại Rạch Giá (in trên bìa mềm, trong tàng thư Bảo Tịnh tinh thất của Quan Âm Tu Viện, hiện nay bị thất lạc).

Phẩm Phổ Môn, thuộc bổn môn, tức là lời Phật dạy về những hạnh lành của Bồ Tát Quan Âm. Nội dung kinh làm cho người Phật tử dễ cảm nhận tâm đại từ đại bi của Bồ Tát Quan Âm, tấm lòng của chúng sanh lúc nào và ở đâu cũng có thể niệm đến danh hiệu Đức Bồ Tát. Hình ảnh hạnh lành của Bồ Tát Quan Âm cũng chính là tâm của Phật Thích Ca. Chúng sanh muốn biết hạnh nguyện Phật Thích Ca như thế nào thì có thể nhìn qua hành vi hạnh nguyện của Bồ Tát nói lên tính vô ngã vị tha của giáo pháp Đức Phật, ai cũng làm được việc của Phật. Tụng kinh Phổ Môn, nghiên cứu kinh Phổ Môn làm theo lời dạy của Kinh Phổ Môn là giúp cho Phật tử hướng về sự an lạc và sống trong sự an lạc đó, sống trong sự an lạc tức là sống trong thế giới Phật. Lời Phật dạy trong kinh Phổ Môn rất thực tiễn, như nói về sự thị hiện vào thế gian để cứu khổ cứu nạn, giúp chúng sanh dưới nhiều hình thức:

Khổ căn bản:

Hạnh nguyện của Bồ Tát Quan Thế Âm thật là bao la vô tận. Bồ Tát không ngại những khó khăn, những chướng ngại đến với cuộc đời. Ai tưởng niệm đến Ngài thì được hóa giải những khổ não trong kiếp trầm luân của chúng sanh. Khổ não trong đời là gì? Thiên tai địch hoa, hỏa họan, nước trôi, bị đánh, bị người hung dữ ám hại, bị lừa gạt dối trá, tranh chấp quyền bính, chia phe, chia chòm, chia nhóm, tranh cao thấp hơn thua phải quấy là những sự việc luôn diễn biến trong đời làm chúng sanh trong đó có chúng ta, các Bạn khổ não bức bách. Ngoài ra còn có những khổ não luôn canh cánh bên người từ trong muôn vạn kiếp cho đến tương lai, từ khi “sanh” ra cho đến khi “chết”. Đó là muốn sống mãi sống vui sống khỏe nhưng không được (sanh), muốn đừng già cỗi cũng không được (lão), sợ đau ốm mà vẫn bệnh liên miên (bệnh), muốn sống mãi để phục vụ cho lòng tham muốn (tử), nhưng mong muốn mà không được (cầu bất đắc khổ), không muốn gặp kẻ thù mà vẫn gặp (oán tắn hội khổ), người mình muốn gặp mà không được gặp (ái biệt ly khổ), thân xác đến thời kỳ đau ốm oằn ọai muốn trở lại thời vàng son nhưng không toại nguyện (ngũ ấm xí thạnh khổ)... tất cả là những khổ não luôn đi kèm theo đời sống con người.

Hạnh nguyện của Bồ Tát Quan Thế Âm thật là bao la vô tận. Bồ Tát không ngại những khó khăn, những chướng ngại đến với cuộc đời.
Hạnh nguyện của Bồ Tát Quan Thế Âm thật là bao la vô tận. Bồ Tát không ngại những khó khăn, những chướng ngại đến với cuộc đời.

Khổ được cứu:

"Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quan Thế Âm Bồ Tát một lòng xưng danh. Quan Thế Âm Bồ Tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát.

Nếu có người trì danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát, dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy được, vì do sức uy thần của Bồ Tát được như vậy. Nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu Bồ Tát liền được chỗ cạn.

Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sanh vì tìm vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu các thứ báu, vào trong biển lớn, giả sử gió lớn thổi ghe thuyền của kia trôi tắp nơi nước quỷ La Sát, trong ấy nếu có nhẫn đến một người xưng danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát, thời các người đó đều được thoát khỏi nạn quỷ La Sát. Do nhân duyên đó mà tên là Quan Thế Âm.

Nếu lại có người sắp bị hại, xưng danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát, thời dao gậy của người cầm liền gãy từng khúc, người ấy được thoát khỏị.

Nếu quỷ Dạ Xoa cùng La Sát đầy trong cõi tam thiên đại thiên muốn đến hại người, nghe người xưng hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát, thời các quỷ dữ đó còn không thể dùng mắt dữ mà nhìn người, huống lại làm hại được.

Tu hạnh Bồ Tát Quan Âm thoát khổ:

Qua đọan kinh trên, người Phật tử chúng ta cũng cần có sự hiểu biết về lý. Ví dụ như: “...nước cuốn trôi, nước ở đây là nước ái ân; lửa cháy, tức là lửa dục nhiễm, quỷ La Sát tức là những nạn trời, nạn dữ, cái ác không buông tha con người. Người niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Âm là người giác ngộ, cải ác tùng thiện, biết giữ gìn giới pháp không nhiễm ô ái dục tức là giới không tà dâm, không tà dâm thì hạnh phúc đến với gia đình, thân bằng quyến thuộc an lạc. Niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Âm, giữ giới không sát sanh thì thoát khỏi nạn đao binh khói lửa. Người giữ giới không trộm cắp thì không bị nghèo đói. Người biết giữ thập thiện thì thoát khỏi nạn quỷ La Sát. Người giữ giới không uống rượu thì có trí tuệ, biết kiến tạo môi trường đạo đức, môi trường văn hóa, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp tươi vui. Người biết tương thân tương ái không dối gạt người thì không có ác nghiệp đến với con người, giữa con người với con người, giữa xã hội với xã hội, không xảy ra những sự việc chém giết, gây đau thương tang tóc lẫn nhau.

Với những dòng pháp trên, nếu mọi người giác ngộ hướng về Bồ Tát Quan Âm, xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Âm, tưởng niệm Bồ Tát Quan Âm thì tất cả các nạn khổ, nạn dữ không đến xâm hại được.

Sở cầu như ý nguyện:

Nếu mọi người giác ngộ hướng về Bồ Tát Quan Âm, xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Âm, tưởng niệm Bồ Tát Quan Âm thì tất cả các nạn khổ, nạn dữ không đến xâm hại được.
Nếu mọi người giác ngộ hướng về Bồ Tát Quan Âm, xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Âm, tưởng niệm Bồ Tát Quan Âm thì tất cả các nạn khổ, nạn dữ không đến xâm hại được.

Ngoài ra còn có những bệnh chúng sanh khác, như tham sân si là nguồn gốc sanh tử, sanh ra các khổ não, đưa chúng sanh vào nẻo sanh tử luân hồi. Tuy nhiên, nếu chúng sanh một lòng xưng niệm danh hiệu Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát thì các bệnh khí tham sân si thảy đều dứt hẳn, giải thóat tử sanh. Đức Phật gọi Ngài Vô Tận Ý là mẫu người tu hành đắc đạo, tâm ý đã thông suốt về những hạnh lành của Bồ Tát Quan Âm và của chư Bồ Tát khác trong mười phương, hạnh nguyện và năng lực của Bồ Tát Quan Âm như sau:

“Nếu có chúng sanh nào nhiều lòng dâm dục, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, liền đặng lìa lòng dâm ý dục. Nếu người nhiều giận hờn, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, liền đặng lìa lòng giận hờn. Nếu người nhiều ngu si, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, liền đặng lìa ngu si”

Bản hoài của Đức Bồ Tát Quan Âm là muốn độ tận những gốc khổ của chúng sanh, chứ không như chúng ta tưởng, hằng ngày dâng vài nén hương, cúng vài ba nải chuối, vào ba trái lê, phong bì tiền rồi Đức Bồ Tát sẽ hộ trì cho qua khỏi nạn tai? Thật sự thì đây chỉ là hình thức cúng kiến, tín ngưỡng trong thời buổi sơ quy y mà thôi, chứ chẳng được gì cả, như người đi biển tìm ngọc đá san hô hổ phách mà chỉ được cát với sỏi mà thôi Bạn ơi! Các Bạn phải có niềm tin vững chắc, cống hiền đời mình cho Phật pháp, tĩnh tu nhiều hơn cúng kiến thì toại nguyện.

Niệm danh hiệu Quan Thế Âm, tức là làm theo hạnh lành Đức Quan Âm, thực hiện lòng từ bi chí cả, thương yêu người vô bờ bến, giúp người không ngại khó khăn, với công đức tu nầy chính là nhân lành, nhân lành thì hưởng quả lành, đó chính là niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Âm được tai qua nạn khỏi. Chúng sanh phát nguyện thương xót chúng sanh, xem chúng sanh như ruột thịt, hóa giải những khổ đau cho họ, gánh vác những việc khó cho họ. Với tình thương bao la vô tận đó, tức là xả bỏ những độc tố khí tham sân si, nên gọi niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Âm dứt tham sân si là vậy. Cách tu của Bồ Tát Quan Âm ai tu cũng được, chúng sanh ở thế giới nào tu cũng được, lời dạy của Đức Bồ Tát ai tiếp thu cũng được. Từ đó mới có dòng pháp mà Đức Phật kêu Ngài Vô Tận Ý để nói việc của Bồ Tát Quan Âm

“Vô Tận Ý ! Quán Thế Âm Bồ Tát có những sức oai thần lớn nhiều lợi ích như thế, cho nên chúng sanh thường phải một lòng tưởng nhớ đến Ngài...”

Bồ Tát Quan Âm sở dĩ có sứ oai thần như thế là do tinh thần vô úy. Bồ Tát thị hiện vào cõi nào cũng được, vào cung vua cũng được, làm dân, làm con của quan tướng cũng được, làm người xuất gia, tại gia cũng được, làm con người giàu thì bố thí, làm con người nghèo thì có hiếu đạo, lên cõi trời cũng được, làm thiên long, bát bộ cũng được, xuống địa ngục cũng xong...Hễ ai ở thế giới nầy tín ngưỡng thì Bồ Tát thị hiện đến đó để độ họ được giải thoát như ý.

Việc sinh con trai con gái:

Việc sinh con trai hay gái theo nhà Phật thì cũng là chúng sinh, cũng là con cái trong gia đình, phân biệt chi nam với nữ.
Việc sinh con trai hay gái theo nhà Phật thì cũng là chúng sinh, cũng là con cái trong gia đình, phân biệt chi nam với nữ.

Trở lại với việc các Bạn: “đã có một bé trai, nay muốn sanh bé gái, tụng kinh Phổ Môn có đạt sở nguyện không?”

Trong phẩm Phổ Môn, Phật có dạy như vầy: “Nếu có người nữ, giả sử muốn cầu con trai, lễ lạy cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát, liền sanh con trai phước đức trí huệ; giả sử muốn cầu con gái, bèn sanh con gái có tướng xinh đẹp, vì trước đã trồng cội phước đức, mọi người đều kính mến...”

Trong quyển sách Linh Ứng Quan Thế Âm của Thầy Thích Tịnh Từ, trang 73-75 có câu chuyện kể về gia đình họ Nguyễn, đệ tử của Tổ Bích Phong, chùa Sắc Tứ, tỉnh Quảng Trị. Gia đình phát tâm ăn chay trường, giữ giới trong sạch, lễ bái cầu nguyện Đức Quán Thế Âm để được sanh con gái, khi sanh con ông bà đặt tên là Trần Thị Mừng, vì sở cầu như ý nguyện (Tu Viện Kim Sơn xuất bản, theo lời kể của các ông Trần Hải, Trần Phước)

 

Bạn sở cầu thì được như ý. Khi bạn biết làm phước, bố thí, giúp đỡ người cô phụ, thân tâm khẩu ý bạn trong sạch tinh khiết mà sinh con. Cái được quan trọng hơn, là được Phật Pháp, Bồ Tát Quan Âm thường cứu giúp nơi nào có khổ. Nơi nào có chúng sinh đắm chìm trong bể ái thì nơi đó Đức Bồ Tát đến vớt họ ra khỏi bể ái. Việc sanh con đẻ cái ngoài thế gian là thuộc đạo đức làm người, nhân nghĩa của thế gian để nối dõi tông đường, có sanh con là có hiếu, không sanh con là không có hiếu, do người làm ác nên “tuyệt tự”, do làm phước nên con đông được “hào con”. Tuy nhiên với nhà Phật “hào con” là kiến tạo thêm cho chúng sanh sự ràng buộc, đắm chìm sâu hơn nữa trong bể ái đó Ban. Sư nói như thế dường như không logic với ước mơ của Bạn rồi!

Phật dạy có người muốn cầu con trai thì sinh được “con trai”. Ý nghĩa của “con trai” là biểu hiện về sự trong sạch tinh khiết, trí tuệ. Người niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Âm là người tu cầu trí tuệ, lúc nào cũng thai nghén trong lòng một đức tính vô ngã vị tha, mong cầu một ngày nào đó đắc đạo, tự tại vô ngại hội nhập vào dòng đời đem ánh sáng Phật pháp đến với chúng sanh

Người niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Âm cầu con gái thì được con gái như ý nguyện. Ý nghĩa của “con gái” là biểu hiện tình thương yêu trong sáng vô biên, lúc nào cũng thai nghén trong lòng tinh thần vô úy thí, bố thí bất nghịch ý muốn cứu mọi người ra khỏi bể ái sông mê, mong một ngày nào đắc đạo, hội nhập dòng đời cứu khổ chúng sanh..

Bạn có tinh yêu thương vô bờ bến tức là Bạn tròn hạnh nguyện tu theo hạnh lành của Đức Bồ Tát Quan Âm, thể hiện tinh thần vô úy: “Từ năng dữ nhứt thiết chúng sanh chi lạc. Bi năng bạt nhứt thiết chúng sanh chi khổ”. Lòng từ của Phật Bồ Tát lúc nào cũng muốn thấy chúng sanh được an vui, lòng Bi của Phật Bồ Tát lúc nào cũng muốn thấy chúng sanh không phải bị những khổ não. Từ là con trai, Bi là con gái đây chính là hạnh nguyện của Bồ Tát Quan Âm.

Việc sinh con trai hay gái theo nhà Phật thì cũng là chúng sinh, cũng là con cái trong gia đình, phân biệt chi nam với nữ. Dù sao thì nhà Phật chỉ cho phép người cư sĩ lập gia đình và có giới pháp kèm theo đời sống của người cư sĩ, tạo điều kiện cho các đôi vợ chồng sống chung đến “răng long bạc đầu” trăm năm hạnh phúc.

Quá trình học Phật, chúng ta cần có sự nghiên cứu sâu sát hơn, chốn thiền lâm gọi: “khán kinh giả minh Phật chi lý”, đọc kinh cầu lý, có hiểu được lý kinh, thì mới có lý sự viên dung.
Quá trình học Phật, chúng ta cần có sự nghiên cứu sâu sát hơn, chốn thiền lâm gọi: “khán kinh giả minh Phật chi lý”, đọc kinh cầu lý, có hiểu được lý kinh, thì mới có lý sự viên dung.

Theo Đại sư Thiên Thai Trí Khải (538-597), phân định thời giáo Phật nói pháp, thì Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn được Phật dạy trong 8 năm cuối cùng trước khi Ngài nhập Niết Bàn. Đức Phật giảng nói phẩm Phổ Môn có sự linh cảm như thế cho chúng ta thấy Phật vẫn tùy chúng sinh mà giảng thuyết.

Tri thức mọi người ở thời điểm nầy cũng đã có trí tuệ vượt bậc để hiểu giáo lý Phật, nhưng địa phương giảng nói kinh vẫn phải có sự pha trộn tín ngưỡng thần linh, con người nơi đây vẫn cần có nhu cầu linh cảm “hữu cầu tất ứng”, nhất là cầu Phật, Bồ Tát Quan Âm là bậc đẳng giác cao hơn Phạm thiên gia hộ cho chúng sanh toại nguyện. Phật thấy biết như thế nên Ngài vẫn tùy thuận sự linh ứng, giảng nói sự linh ứng cho chúng sanh thấy biết việc “hữu cầu tất ứng” và được tọai nguyện. Đây là phương tiện hành đạo khải thị niềm tin trong giáo pháp Phật nhằm giúp chúng sanh bước vào thế giới học làm Phật

Mặc khác ở thời điểm Phật nói kinh Phổ Môn, các đạo sĩ ngọai đạo vào Tăng đoàn tu đông và vì sự tín ngưỡng của con người sở tại, nơi Phật giảng kinh lúc bấy giờ mọi người vẫn còn tin tưởng vào thần linh phán xét cho con người những họa phước, con người thích được phán xét để có cơ sở “tìm lối thoát” hay “thụ hưởng”.

Quá trình học Phật, chúng ta cần có sự nghiên cứu sâu sát hơn, chốn thiền lâm gọi: “khán kinh giả minh Phật chi lý”, đọc kinh cầu lý, có hiểu được lý kinh, thì mới có lý sự viên dung. Phẩm Phổ Môn là vi diệu, chúng ta phải hiểu ở phần vi diệu đó, không nên chấp mê vào sự như người vào biển tìm ngọc trân châu hổ phách mà chỉ được đá san hô!

Lời kết:

Việc bạn muốn sinh con trai hay con gái, với một bài giảng cho mọi người cùng đọc, thầy không đáp ứng nhu cầu cho các bạn, mong các bạn thông cảm. Các bạn nên tham khảo trong lịch Vạn Niên của Trung Quốc, nghiên cứu việc ăn uống cho điều độ, đến với khoa sản bệnh viện gần nhất để được hướng dẫn, Bác sĩ tư vấn, bạn sẽ tọai nguyện.

Đạo Phật là đạo giải thoát

Giải cho chính mình cho cả bá gia

Pháp Hoa kinh dụ Tam Xa

Cho ta thấy chánh biết tà phân minh

Phổ Môn là một phẩm Kinh

Dạy thông suốt đạo hành trình Phật môn

Dạy về ý nghĩa sanh con

Con trai con gái là hai hạnh lành

Con trai biểu tượng trí nhàn

Con gái là gốc họ hàng từ bi

Con trai con gái do ta

Tu hạnh Phật Bà bến giác đợi trông

Làm thiện tích thiện sanh trai

Làm đẹp tông đường sanh gái chi lo

Bạn ơi khi hiện sóng to

Thì nên niệm Mẹ áo tà trắng bay

Quan Âm niệm tháng năm dài

Phật Quan Tự Tại đưa tay cứu đời.

HT Thích Giác Quang

Trả lời

Địa Tạng Bồ Tát đại từ đại bi khuyên dắt chúng sinh cõi Diêm Phù Đề ngay ngày lâm chung phải thận trọng, nhất định không được sát sinh, không được tạo ác duyên.

Địa Tạng Bồ Tát đại từ đại bi khuyên dắt chúng sinh cõi Diêm Phù Đề ngay ngày lâm chung phải thận trọng, nhất định không được sát sinh, không được tạo ác duyên.
Địa Tạng Bồ Tát đại từ đại bi khuyên dắt chúng sinh cõi Diêm Phù Đề ngay ngày lâm chung phải thận trọng, nhất định không được sát sinh, không được tạo ác duyên.

Như vậy khi con người qua đời rồi, để lo tang sự cho họ phải mời thân bằng quyến thuộc, bạn bè người thân của họ, trong sự gặp gỡ đó, đại đa số là sát sanh ăn thịt, tế bái Quỷ Thần, làm vậy đều là tạo tội. Việc này chúng ta đi bất cứ đâu, bất cứ chỗ nào cũng đều thấy cả.

Nếu như chúng ta muốn cầu phước cho người chết mà còn muốn sát hại chúng sinh để cúng tế thì hãy nghĩ cho kỹ lại xem hay là chúng ta nghĩ người mất khi còn sinh tiền tạo chưa đủ nghiệp sát nên cho họ thêm một chút nữa, có phải như vậy không? Hay là sợ bị đọa chưa đủ sâu nên muốn họ xuống sâu thêm một chút nữa, nên làm như vậy có phải không? Rất là sai, giả sử đời sau nghĩa là nói người qua đời đã chết rồi mà đã chết rồi thì thuộc về đời sau hoặc đời hiện tại, nghĩa là người đó vẫn chưa chết, nhưng người còn sống là một người thiện, người tốt, bản thân không tạo tội lỗi gì. Bởi do người thân, quyến thuộc sát sanh cúng tế, bái lạy quỷ thần cầu các quỷ quái. Quỷ quái là tà hình, tà đạo.

Lúc bệnh nặng, lúc nguy kịch, cầu các loại quỷ thần này đến giúp đỡ chứ không biết rằng những việc mình làm là tạo tội sát sanh cúng tế. Vậy thì sát sinh cúng tế là vì người bệnh đây. Thật ra họ vốn cũng có thể sinh vào đường lành, sinh trong trời, người nhưng vì người thân quyến thuộc tạo những tội này cho nên họ phải gánh lấy, họ phải xuống Diêm Vương để biện luận, bỏ lở cơ hội sinh vào đường lành vì việc sát sinh. Đã tắt thở rồi mà còn phải xuống Diêm Vương để luận tội làm lỡ mất thời gian sinh vào đường lành của họ. Còn nếu như chưa tắt thở bạn sẽ thấy họ chịu vô số đau đớn ở trên giường bệnh, thần hồn của họ ở đó mà biện luận.

Trích Pháp sư Tịnh Không khai thị lúc lâm chung

Chùa Vạn Niên