Theo truyền thống Phật giáo, cả hai phái Nam truyền và Bắc truyền, vào ngày trăng non (mùng một) và ngày trăng tròn (ngày rằm), chư tăng đều tụ họp lại tại một trú xứ nào đó gần nhất để lắng nghe vị cao đức trùng tuyên giới luật và để phát lồ sám-hối những điều sai lầm đã lỡ tạo ra. Hai ngày này trở thành ngày hội của chư tăng, có ý nghĩa quan trọng trong Phật giáo không những cho hàng xuất gia mà cả cho hàng cư sĩ tại gia.
Ngày nay, vào những ngày mồng 1, ngày rằm âm lịch hàng tháng, rất đông người dân đến chùa Vạn Niên để tỏ lòng thành kính với Đức Phật, chư vị Bồ Tát và các bậc thánh hiền, nhờ nghiệp lực của các ngài mà cầu được thiện duyên, giác ngộ, mong tâm thanh tịnh, cuộc sống ấm no hạnh phúc, có tai họa cũng mong qua.
Chùa Vạn Niên nằm ở phía Tây của Hồ Tây, thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, được xây dựng từ năm Thuận Thiên thứ hai (1014) sau khi vua Lý Công Uẩn rời đô ra Thăng Long; tên gọi ban đầu là chùa Vạn Tuế, sau đổi là Vạn Niên. Đây được coi là ngôi Chùa thiêng của đất Thăng Long – Hà Nội, có nhiều điều bí ẩn thú vị được sử sách còn ghi. Năm 1996, chùa đã được Bộ VHTT xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.
Đời Lý năm Giáp Dần, niên hiệu Thuận Thiên thứ Năm (1014), Thạch Nhai tăng thống Tấu xin cho lập giới đàn ở đây để tập hợp tăng đồ thụ giới, được chiếu chuẩn y. Nhiều nhà sư danh tiếng như Lâm Tuệ Sinh, Lý Thảo Đường kế tiếp nhau trụ trì ở đây. Về sau có vị tăng ở Quảng Châu là Biện Tài đến tu trì, có sách đối lục lưu hành ở đời.[1]
Quảng Từ – Tịnh Thủy