“Giữa nhiều tiếng nói Pháp hoa, tiếng nói có sức ảnh hưởng lớn nhất vẫn là tiếng nói từ trong tâm của hành giả” – Nhận định của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng trong lời giới thiệu sách Kinh Pháp hoa – Giản yếu và Tiểu bản của tác giả Thích Tâm Thiện.
Pháp hoa là một bộ kinh có sức ảnh hưởng lớn trong đời sống tu tập của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam. Có thể nói bộ kinh này được tiếp nhận và hành trì một cách phổ biến nhất qua ứng dụng mẫu hành giả với các phạm trù tâm linh cá nhân, hạnh nguyện và lý tưởng Bồ-tát trên lộ trình dấn thân phụng sự vì lợi ích cho số đông.
Lịch sử truyền thừa kinh ghi nhận rằng, vào nửa sau thế kỷ thứ III, khoảng năm 258, kinh Pháp hoa tam muội đã được giới thiệu tại Việt Nam qua bản dịch từ Phạn ngữ của ngài Chi-cương-lương-tiếp, Đại sư Đạo Thanh, một Tăng sĩ người Việt, bút thọ.
Gần đây, ngoài kinh văn và các nghi thức hành trì, một số nghiên cứu, chú giải kinh Pháp hoa đã được xuất bản và giới thiệu tại nước ta, trong đó có Kinh Pháp hoa – Giản yếu và Tiểu bản của tác giả Thích Tâm Thiện, do NXB.Hồng Đức xuất bản đầu quý IV, năm 2022.
Cái mới của tác phẩm hơn 630 trang này hướng đến mục tiêu trợ giúp cho người thọ trì kinh Pháp hoa cũng như những ai muốn tiếp cận, tìm hiểu về nghĩa lý sâu xa của kinh với ngôn ngữ biểu tượng đặc trưng, là thuyên giải kinh bằng ngôn ngữ linh hoạt của một người đã có thời gian dài trầm tư, sống và hành Pháp hoa. Thông qua các mục lược kinh văn, lược giải các chủ đề chính của 28 phẩm kinh, tác giả đã đi vào trình bày các luận giải được chọn lọc một cách tinh tế, sâu sắc vừa mang đậm tính giáo khoa vừa truyền đạt sức sống tâm linh diệu thường của kinh, như chính tác giả bộc bạch trong Lời nói đầu:
“Chúng tôi đã nỗ lực biên soạn tập sách này theo hình thức giản đơn nhất, đó là: tóm tắt nội dung từng chương kinh để bạn đọc có thể nắm bắt được đại ý; và kế đến, thông qua dàn ý, đi vào phân tích, lược giải những chủ đề chính của mỗi chương. Hy vọng rằng cách tiếp cận này sẽ tạo cơ duyên cho những bạn đọc quan tâm đến kinh Pháp hoa, có thể thọ trì và sống theo tinh thần vĩ đại của kinh: Không ai nghe pháp mà không thành Phật (Nhược hữu văn pháp giả, vô nhất bất thành Phật)”.
Ở tác phẩm vừa mới ấn hành này, thông qua kinh nghiệm hành trì của một hành giả, ngoài phần giản yếu, tác giả dựa theo bản dịch Việt ngữ kinh Pháp hoa của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), đã tóm tắt nội dung chính của bộ kinh dài và kết tập thành một Pháp hoa Tiểu bản mang thông điệp cốt tủy ngắn gọn, không trùng lặp, để người đọc có thể nắm bắt nội dung của mỗi chương kinh. Tác giả cũng đưa vào sách các diễn giải phụ lục, nhằm giúp cho người đọc nắm bắt được tinh thần thiết thực của đời sống Pháp hoa.
Thêm vào đó, tác giả đã dịch hai thí dụ còn thiếu trong bản Hán dịch của ngài Cưu-ma-la-thập về Pháp hoa cửu dụ (chín thí dụ của kinh Pháp hoa), một thể tài triết lý quan trọng của kinh được lưu truyền trong các nguyên bản tiếng Phạn và các bản dịch trong ngôn ngữ phương Tây. Hai thí dụ đó là Người thợ làm đồ gốm và Người mù từ thuở nhỏ…
Tác giả, Thích Tâm Thiện xuất gia năm 1976, thọ giới Cụ túc năm 1991, tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học hạng ưu của University of West năm 2008, sáng lập và đồng thời là Viện trưởng tu viện Thượng Hạnh (Texas) và tu viện Cát Trắng (Florida) ở Hoa Kỳ. Thầy là tác giả của nhiều đầu sách đã xuất bản tại Việt Nam lúc tuổi ngoài 20, như Tâm lý học Phật giáo, Lịch sử tư tưởng và triết học Tánh không, Hài nhi tóc bạc, Cẩm nang của người Phật tử (3 tập), Hạt nhân của hạnh phúc… và nhiều video thuyết giảng ở các đạo tràng, trung tâm tu học, các diễn đàn quốc tế ở trong nước cũng như hải ngoại.
Tác phẩm được biên soạn trong giai đoạn cả thế giới điên đảo bởi biến cố lịch sử thiên niên kỷ do vi-rút Corona gây ra; nhưng đấy là kết tinh của một cuộc hành trình tâm linh hơn 40 năm học đạo; trong đó hơn 30 năm tác giả hành trì Pháp hoa theo sự hướng dẫn của Tôn sư Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng.
Tác phẩm được biên soạn trong niềm mong ước “… bất kỳ ai được tiếp xúc với tinh thần của Pháp hoa đều có thể kiến tạo cho chính mình một đời sống an lạc, viễn ly và tự tại giữa bao thuận nghịch, thăng trầm…” như chính tác giả đã có lối sống thăng bằng được kiến tạo từ công phu quán chiếu kể từ khi hạnh ngộ với Pháp hoa.
Xin mượn lời nhận định của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, trong lời giới thiệu đầu sách, để thay lời cuối cho những dòng cảm nhận trên về tác phẩm mới này:
“Mỗi bản luận giải được xem là một cách tiếp cận. Giữa nhiều tiếng nói Pháp hoa, tiếng nói có sức ảnh hưởng lớn nhất vẫn là tiếng nói từ trong tâm của hành giả. Tôi rất hoan hỷ khi thấy pháp tử của mình đã từng bước trưởng thành trên con đường tu tập. Xin ghi lại nơi đây đôi lời tùy hỷ, tán dương và giới thiệu cùng độc giả”.
Theo Hoàng Độ/Báo Giác Ngộ