Chùa Vạn Niên – trầm mặc giữa lòng Hà Nội

1099 lượt xem

(HanoiTV) – Nơi đây không chỉ biết đến là trung tâm chính trị của đất nước mà còn là trung tâm Phật giáo của nước ta. Đến với Hà Nội, du khách sẽ được khám phá rất nhiều ngôi chùa cổ có niên đại hàng ngàn năm tuổi. Một trong số đó phải kể đến chùa Vạn Niên – ngôi chùa cổ tự hàng ngàn năm tuổi nằm tĩnh lặng, trầm mặc ở khu vực phía Tây của Hồ Tây – thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ.

Chùa được xây dựng dưới thời nhà Lý, tính đến nay đã trải qua hàng ngàn năm tuổi và được coi là một trong những ngôi chùa liêng thiêng nhất của kinh thành.

Theo sử sách chép lại: Chùa Vạn Niên được xây dựng vào năm thứ 2 Thuận Thiên, tính đến nay đã trải qua hàng ngàn năm kể từ ngày vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư – Ninh Bình ra kinh thành Thăng Long xưa (Hà Nội ngày nay). Trước đây chùa có tên là chùa Vạn Tuệ sau này mới được đổi tên thành chùa Vạn Niên và là một trong những ngôi chùa theo phái Mật Tông. Nơi đây hiện nay không chỉ được biết đến là một địa điểm tâm linh mà còn là một địa điểm du lịch tại Hà Nội.

Cổng Tam quan của chùa Vạn Niên nhìn ra đường Lạc Long Quân

Cổng Tam Quan chính của chùa nhìn ra Hồ Tây.Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, ngôi chùa xuống cấp và phải trùng tu rất nhiều lần. Lần trùng tu lớn nhất, gần như cải tạo lại toàn bộ kiến trúc của chùa là vào khoảng thế kỷ 19 dưới thời nhà Nguyễn. Chính vì vậy, mọi phần kiến trúc của chùa đều mang theo hơi hướng kiến trúc của thời Nguyễn.

Vào năm 1996, chùa Vạn Niên Hà Nội được Bộ văn hóa – thông tin và du lịch công nhận là di tích nghệ thuật cấp Quốc gia. Ngày nay, chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của các tăng ni Phật tử trong và ngoài thành phố Theo Thượng tọa Thích Minh Tuệ – trụ trì chùa Vạn Niên kể lại: vào năm 1014 thời Lý Thuận Thiên, thiền sư Hữu Nhai Tăng xin vua cho lập đàn tại địa chỉ của chùa Vạn Niên. Sau khi được vua phê chuẩn, chùa bắt đầu được xây dựng cho đến ngày nay. Dưới thời nhà Lý, vị sư trụ trì của chùa là Lâm Tuệ Sinh, Thảo Đường. Và cũng bắt đầu từ thời nhà Lý, chùa được quan tâm xây dựng cải tạo kiến trúc nhiều hơn. Chùa Vạn Niên cũng trở thành chốn tùng lâm của rất nhiều tăng ni, phật tử…

Pho tượng Thích Ca nặng gần 600 cân này được tạc hoàn toàn từ một phiến đá quý nặng gần một tấn không hề có sự chắp ghép và pha trộn. Phiến đá có xuất xứ từ Myanma được vận chuyển đến Trung Quốc và thực hiện tạc trong vòng 2 năm thì mới hoàn thành xong và vận chuyển về Việt Nam. Cho đến ngày nay, pho tượng phật Thích Ca là một trong những công trình kiến trúc đặc sắc và gây ấn tượng nhất với nhiều du khách khi đến tham quan chùa Vạn Niên.

Chùa Vạn Niên không chỉ được biết đến là một ngôi chùa tâm linh, nơi đây còn được biết đến là một trong những nơi lưu trữ rất nhiều những kỷ vật mang nhiều giá trị lịch sử. Trong chùa hiện tại còn lưu trữ 46 pho tượng phật, tượng mẫu, tượng tổ các loại từ thời nhà Lý. Cùng với đó là 2 quả chuông được đúc hoàn toàn bằng đồng dưới triều Nguyễn.


Tượng Phật Ngọc phỉ thuý an vị trong Viện Bảo Minh Điện. Đây là một trong những tượng Phât Ngọc được làm từ ngọc tự nhiên quí giá và hiếm hoi ở Việt Nam, do Thượng Tọa Thích Minh Tuệ cùng các sư thầy và đệ tử sau nhiều năm tháng cất công tìm kiếm được khối Ngọc nặng 1 tấn tại đất nước Myanmar rồi đặt các nghệ nhân Trung Quốc tạc tượng. Tượng Phật ngọc tại chùa Vạn Niên Tây Hồ là một công trình kiến trúc độc đáo trong các phần kiến trúc của chùa Vạn Niên Tây Hồ
Thập Hùng Bảo Điện tại ngôi chùa ngàn năm tuổi.
Kiến trúc gỗ tại ngôi chùa cổ vô cùng tinh tế và độc đáo.
Bức tường bằng gỗ lim – một kiến trúc chấm phá độc đáo của Vạn Niên Tự.
Nơi đây thu hút rất nhiều du khách đến chiêm bái, lễ Phật và tìm hiểu về kiến trúc cổ kính, đặc biệt các bạn trẻ rất hào hứng khi được nghe giới thiệu về sự hình thành và những thăng trầm của ngôi chùa nghìn năm tuổi nằm trầm mặc bên cạnh Hồ Tây.

Chùa Vạn Niên đang ngày một khang trang và được nhiều Phật tử gần xa biết đến. Tuy có nhiều đổi mới nhưng chùa vẫn giữ được nét đẹp cổ kính và độc đáo về văn hóa kiến trúc giữa lòng thủ đô hiện đại và phát triển.Ở khu vực Hồ Tây, ngoài chùa Vạn Niên còn có rất nhiều ngôi đền, chùa nổi tiếng như phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh… đều vô cùng linh thiêng. Du khách nên thử một lần đặt chân tới, cảm nhận được không khí tĩnh lặng, an yên, trầm mặc của những ngôi chùa ngàn năm tuổi giữa lòng thủ đô.

Tuyết Mai

Chùa Vạn Niên