Chùa Vạn Niên – Di sản văn hóa Hà Nội

1769 lượt xem

Chùa Vạn Niên nằm ở phía Tây của Hồ Tây, thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, được xây dựng từ năm Thuận Thiên thứ hai (1011) sau khi vua Lý Công Uẩn rời đô ra Thăng Long; tên gọi ban đầu là chùa Vạn Tuế, sau đổi là Vạn Niên. Đây được coi là ngôi Chùa thiêng của đất Thăng Long – Hà Nội, có nhiều điều bí ẩn thú vị được sử sách còn ghi.

Theo sách An Nam chí lược, cao tăng Thảo Đường theo sư phụ đi truyền giáo ở Chiêm Thành, khi vua Lý Thánh Tông đem quân đánh Chiêm Thành, bắt được sư Thảo Đường đã đưa về làm nô của Tăng Lục.

Một lần, Tăng Lục viết ngữ lục để ở bàn rồi có việc ra ngoài, sư Thảo Đường lén lấy sửa lại. Tăng Lục lấy làm lạ về tên nô nên đã tâu lên vua. Và vua đã phong Thảo Đường là quốc sư.

Cũng theo sách Nho Phật đạo bách khoa từ điển của Trung Quốc, Thảo Đường là đệ tử của Cao tăng Trọng Hiển núi Tuyết Đậu. Khi được phong quốc sư đời Lý Thánh Tông, Cao tăng Thảo Đường đã truyền bá phép tu Trọng Hiển, giảng hàng trăm phép tắc của sơn môn Tuyết Đậu và chính thức thành lập thiền phái Thảo Đường. Thiền phái Thảo Đường đã được các đời vua thời Lý như Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông ủng hộ, họ không xuất gia nhưng tự coi là đệ tử của thiền phái.

Các chùa Hà Nội hiện nay, đặc biệt là các chùa ở Tây Hồ chịu ảnh hưởng rất lớn ở môn phái này, trong đó, sư Thảo Đường từng trụ trì cả chùa Trấn Quốc và chùa Vạn Niên. Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng, Thảo Đường không chỉ dừng lại ở tư tưởng Thiền – Tịnh hợp nhất mà còn là Thiền – Tịnh – Mật hợp nhất (phái Thiền tông, phái Tịnh Độ tông và phái Mật tông).

Cố Hòa Thượng Thích Viên Thành (1950 – 2002)

Là một kiến trúc Phật giáo, Chùa được tạo bởi công trình nghệ thuật bằng gỗ với hoa văn họa tiết vừa bản địa, vừa tiếp nhận văn hóa phương Đông. Các nếp nhà được xây dựng hướng Đông theo bố cục mặt bằng gồm tam quan, chùa chính điện Mẫu (thờ Bà chúa Liễu Hạnh), nhà tăng, nhà phụ. Bao quanh kiến trúc là vườn cây cổ thụ tôn thêm vẻ đẹp và tạo sự u tịch, tĩnh lặng nơi cửa thiền, làm nên một tổng thể di tích văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, hài hòa.

Chùa gồm năm gian bái đường và ba gian bảo điện nối nhau thành chữ Đinh. Về lối bài trí, chùa cũng giống như nhiều chùa ở miền Bắc khác. Trên cao có Tam Thế Phật, dưới là A Di Đà Phật, dưới nữa là Quan Âm, phía ngoài là Thích ca Sơ sinh. Đặc biệt, hiện nay, trên nóc chùa vẫn còn ba chữ triện đắp nổi “Vạn Niên tự”, ý muốn chùa trường tồn mãi cùng với thời gian.

Hiện Chùa còn giữ bộ di vật cổ quý gồm hơn 40 pho tượng tròn và 10 đạo sắc phong thần của thời Lê, Tây Sơn; có bài ký trên chuông đồng “Vạn Niên Tự Chung” đúc vào thời Gia Long. Trải qua 1000 năm lịch sử với những biến thiên của thời cuộc, chùa đã nhiều lần được tu sửa, đặc biệt từ năm 1992 đến nay, Chùa được trùng tu tôn tạo lớn. Nhiều nhà sư danh tiếng của Việt Nam đã từng trụ trì ở đây như Lâm Tuệ Sinh, Lý Thảo Đường, Thích Viên Thành…

Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Chùa Vạn Niên làm lễ an vị khánh thành Điện Phật ngọc. Tượng Phật được tạc bằng khối ngọc tự nhiên quý hiếm từ Myanmar có chiều cao 1,3m, nặng 600 km. Tượng phật thiêng có một không hai ở Việt Nam đã tạo thêm sự hấp dẫn của ngôi chùa cổ.

Chùa tuy không lớn nhưng do nằm ở gần Hồ Tây nên cảnh quan thoáng đãng, trong lành. Khác với các ngôi chùa khác ở đất Bắc, chùa Vạn Niên thường là nơi để mọi người đến cầu bình an, sức khỏe và hạnh phúc cho gia đình, họ tộc chứ không phải là nơi để cầu tài cầu lộc.

Vì vậy, vào ngày thường, chùa thường vắng lặng, chỉ những ngày rằm và dịp lễ tết, chùa mới có đông du khách thập phương đến viếng cảnh chùa và lễ Phật. Có lẽ nhờ vậy mà chùa luôn có không khí thanh tịnh, yên ắng, rất hợp với khung cảnh của chốn thiền môn.

Thượng tọa Thích Minh Tuệ 

Với những giá trị lịch sử và văn hóa độc đáo như trên, năm 1996, chùa đã được Bộ VHTT xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Hiện, di tích này vẫn luôn được chính quyền và nhân dân quận Tây Hồ gìn giữ, tu bổ tôn tạo ngày một khang trang hơn để giữ được nét đẹp truyền thống và cổ kính cho không gian văn hóa của Thủ đô Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chùa Vạn Niên