(VOV NEWS) – Song hành với Thăng Long – Hà Nội 1.000 năm tuổi, chùa Vạn Niên vẫn mang những nét cổ kính và tĩnh đạm nơi cửa Phật giữa không gian hối hả, nhộn nhịp chốn Hà Thành.
Cổ kính, uy nghiêm bên Hồ Tây
Vạn Niên, nghe tên cũng đã có thể hình dung được sự trường tồn của di tích qua năm tháng lịch sử của đất nước. Qua bao thử thách khắc nghiệt của thời gian, chiến tranh, ngôi chùa đã trở nên gắn bó mật thiết với đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân địa phương và Thăng Long – Hà Nội.
Tuy nằm ngay bên mặt đường Lạc Long Quân luôn tấp nập người, xe qua lại, nhưng phía sau cổng chùa là sự cổ kính, thiêng liêng, thanh tịnh…; không gian chùa không lớn nhưng được bao trùm một màu xanh mát của những cây cổ thụ nhiều năm tuổi.
Cổng sau chùa Vạn Niên nhìn ra hồ tây
Cổng chính của chùa Vạn Niên nằm ở bờ phía Tây của Hồ Tây, thuộc ấp Quán La ngày trước (nay là Xuân La,quận Tây Hồ). Hiện nay, trên nóc chùa còn ba chữ triện đắp nổi “Vạn Niên tự” nhưng tên cũ của chùa là Vạn Tuế.
Chùa Vạn Niên thờ Phật và Bà Chúa Liễu Hạnh. Qua hơn 1.000 năm lịch sử, với bao thăng trầm và biến cố, ngôi chùa đã nhiều lần được trùng tu. Chùa Vạn Niên có phong cách kiến trúc thời Nguyễn, bao gồm: Tam quan, tiền đường, nhà Tổ, nhà khách, lầu Quan Âm… Câu đối ở hàng cột nhà bái đường đã nói rõ: “Cổ tự trùng tu tân cảnh sắc/Vạn Niên kiến tạo cựu quy mô” (Chùa cổ trùng tu cảnh sắc mới/Vạn Niên sửa chữa quy mô xưa).
Theo Thăng Long cổ tích khảo, thì “Chùa ở bờ Tây hồ Tây… Lý Thuận Thiên năm thứ 5 (1014), Hữu Nhai tăng thống xin tâu lập giới đàn tại đây, thụ giới cho các Tăng đồ. Vua xuống chiếu ban cho. Bấy giờ, danh tăng Lâm Tuệ Sinh, Thảo Đường thời Lý kế thừa trụ trì ở đây”.
Hiện chùa còn giữ bộ di vật với hơn 40 pho tượng tròn và 10 đạo sắc phong thần của thời Lê, Tây Sơn có giá trị lịch sử – văn hoá nghệ thuật cao. Ngày 31-10 vừa qua, chùa đã tổ chức lễ an vị bức tượng phật Thích Ca, cao hơn 1,3 m và nặng 600kg, được làm từ ngọc Phỉ Thuý (Jadeit tự nhiên) càng làm cho bộ di vật của ngôi chùa thêm độc đáo.
Đặc biệt, chùa còn có bài ký trên chuông đồng “Vạn Niên Tự Chung”, đúc vào đời Gia Long, thể hiện: Chùa Vạn Niên là một di tích có qui mô bề thế, một danh lam cổ vừa tâm linh vừa có kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở phía Tây kinh đô Thăng Long.
Hàng tháng, nhà chùa làm cơm chay vào mùng một và ngày rằm để các Phật tử tới lễ chùa thưởng thức.
Tượng Phật ngọc đến với chùa Vạn Niên
Là người tu hành được nhiều Phật tử quý trọng nên trong mọi công việc, Đại đức Thích Minh Tuệ, trụ trì chùa Vạn Niên, đều được sự ủng hộ và giúp đỡ. Việc tạc và đưa tượng Phật ngọc về chùa Vạn Niên cũng là một điều cố gắng của các Phật tử thể hiện tấm lòng với Đại đức.
Phật tử Trần Bích Thuỷ, làm nghề về đá quý đã đi khắp đất nước để tìm đá quý tạc tượng. Nhưng để tìm được ngọc ưng ý là việc không hề dễ dàng. Chị đã đi khắp Tây Nguyên, từ Pleiku tới Đắc Nông nhưng vẫn không thể tìm ra. May mắn, trên chuyến bay ra Hà Nội chị gặp được anh Lê Quý Kiếm – một người bạn cùng làm nghề đá quý và mách chị sang Myanmar tìm ngọc.
Tượng Phật bằng ngọc Jadeit tự nhiên (Ảnh: Quang Trung)
Công việc có nhiều khó khăn và vất vả như để thử thách lòng người, rồi cũng được đền đáp, chị tìm thấy phiến ngọc ưng ý. Đó là một phiến ngọc Phỉ Thuý (ngọc Jadeit tự nhiên) nặng khoảng một tấn, do thợ khai thác mỏ mới tìm được ở Myanmar.
Vất vả chưa dừng ở đó. Sau khi tìm được ngọc và vận chuyển về Trung Quốc, mọi người lại bắt đầu tìm kiếm thợ chế tác mong sao có tác phẩm ưng ý. Ở Trung Quốc, có rất nhiều xưởng chế tác ngọc nhưng không ai có thể biết xưởng nào có tay nghề cao và nhiều thợ giỏi. Chị Thuỷ kể lại: “Cứ như thế, gần một tháng trời tôi mới tìm được người tạc ưng ý. Đó là một người có 25 năm kinh nghiệm và đạt nhiều danh hiệu trong nghề tạc tượng”.
Thời gian trôi qua, 2 năm kể từ khi mọi người đi tìm ngọc, bức tượng mang hình dáng của Đức Phật Thích Ca cao hơn 1.3 m và nặng 600 kg đã hoàn thành. Đúng ngày Lễ Phật đản (15- 4 ÂL), bức tượng Phật đã được đưa về chùa Vạn Niên trong niềm vui sướng của mọi người.
Cổng sau chùa Vạn Niên nhìn ra Hồ Tây (Ảnh: Bích Đào)
Đại đức Thích Minh Tuệ, trụ trì chùa Vạn Niên cho biết thực sự vui mừng khi mọi việc hoàn thành một cách tốt đẹp và được nhiều Phật tử tới chiêm bái ủng hộ, khen ngợi. Đại đức cũng rất cảm ơn tấm lòng của các Phật tử đã giúp đỡ trong mọi công việc để hoàn thành lời Phật dạy.
Sư thầy Thích Đạo Thuần ở chùa Vạn Niên thì nói trong niềm phấn khởi: Việc an vị tượng Phật ngọc đã mang lại niềm vui, hạnh phúc, may mắn cho chùa Vạn Niên và Phật tử tới chiêm bái. Còn với bà Nguyễn Thị Nga, ở tổ 3, cụm 1, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội, là người thường xuyên tới lễ chùa cho biết, để chuẩn bị cho lễ an vị tượng Phật ngọc, mọi người đã chuẩn bị mọi việc từ rất lâu. Được làm công việc giúp nhà chùa đón tượng Phật, bà cảm thấy rất vui và hạnh phúc.
Chùa Vạn Niên đang ngày một khang trang và được nhiều Phật tử gần xa biết đến. Tuy có nhiều đổi mới nhưng chùa vẫn giữ được nét đẹp cổ kính và độc đáo về văn hóa kiến trúc giữa lòng thủ đô hiện đại và phát
Huy Phương (VOVNEWS)