CHO PHẬT TỬ MỚI QUY Y
(Trích trong “Nghi lễ Quy Y Tam Bảo”
của Chùa Vạn Niên)
Phần I – LỜI MỞ ĐẦU
NAM MÔ BẢN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Đức Phật dạy rằng: “Ba Cõi là nơi không yên ổn, ví như ngôi nhà mục nát đang bốc cháy bốn bên, chúng sinh như những trẻ thơ hồn nhiên ngây thơ, chỉ mải vui đùa trong khu nhà cháy mà không biết tai họa lớn sắp ập đến”.
“Chúng sinh” ở đây, theo Phật Giáo, là chỉ cho tất cả các loài có tình thức, có mạng sống, có hoạt động (động vật). Còn “3 cõi” là: cõi Dục giới, cõi Sắc giới và cõi Vô sắc giới.
Chúng sinh ở Thế gian bị quá nhiều thống khổ, khổ về thể xác, khổ về tâm hồn, mà nguyên nhân của những sự thống khổ đó là do mê lầm, tham vọng và giận dữ, thù hằn. Những lỗi lầm này tăng lên không ngớt, dẫn đến sinh tử luân hồi, nổi chìm trong ác đạo (“ác đạo” là “đường ác xấu”, kiếp sống xấu, có Địa ngục, Quỷ đói, và Súc vật).
Nay muốn dứt trừ những đau khổ ấy thì phải nương tựa vào một đấng giác ngộ, nhờ sự chỉ bày giáo hóa để hồi quang phản tỉnh, giải thoát những đau khổ ràng buộc rồi dần dần cắt đứt luân hồi, vượt qua sinh tử. Chính vì những lẽ đó cho nên chúng ta tìm đến đấng Từ Bi đại giác để nương tựa, hầu dứt trừ phiền não, hưởng sự an vui. Cho nên mới có Phép Quy y Tam Bảo.
“Quy y” là “quay đầu về nương tựa vào”, giống như con thơ nương tựa vào cha mẹ. Chúng sinh chúng ta đang nổi chìm trong vòng sinh tử, đầy dẫy vô minh phiền não. Nay gặp được Đức Phật là bậc Chính Giác Thế Tôn, chúng ta quay đầu về nương tựa vào Ngài, như con thơ xà vào lòng mẹ, nằm trong vòng tay của mẹ hiền để được dạy dỗ, chở che. Đó là ý nghĩa “Quy Y”.
Cho nên các tín lão đi chùa, thường hay khấn câu: “Xin hồi tâm lại, xin quay đầu về”, và “Lậy Phật, xin Phật vuốt ve che chở cho con”. Vuốt ve che chở là hành động của bà mẹ hiền nâng niu con đỏ. Ý nói, chúng ta quy Phật, nhận Phật làm Thầy, xưng là Phật tử, coi Phật như cha mẹ, để trông mong sự chăm sóc, phù trì.
Đức Phật dạy: “Nếu ai lấy tâm thanh tịnh, chí thành quy y Phật, Pháp, Tăng, dù chỉ trong giây lát cũng được vô lượng công đức, đoạn trừ được các sự khổ não trong 3 đường ác: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh; hưởng thú vui vô thượng, tịch diệt Niết bàn”.
Vì những lẽ trên cho nên chúng ta cần Quy y Tam Bảo, để làm chỗ nương tựa cho sự nghiệp tu tập, sự thăng hoa cho đời sống tinh thần và vật chất.
Phàm mỗi khi làm Lễ Quy y, Phật tử đều được thầy Bản sư truyền Phép Quy giới, và căn dặn những điều cơ bản khác, nhưng không thể nghe một lần mà lĩnh hội và nhớ kỹ được tất cả. Cho nên cần phải nghe, đọc đi đọc lại nhiều lần thì mới nhớ và hiểu được. Có nhớ và hiểu được thì mới áp dụng vào cuộc sống thực tại để sửa mình từng bước trên con đường tu tập đạo đức, để cuối cùng đạt đến giác hành viên mãn.
Vả lại, trong cuộc sống vật chất ở thời kỳ mở cửa, các Phật tử phải lăn lộn vất vả cho sinh kế, không có nhiều thời gian học hỏi hết những điều mình phải học, phải làm cho đúng với tư cách một Phật tử. Các Phật tử cần tìm hiểu thêm từ những sách Phật học phổ thông, sách cho người mới quy y, dần tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về Giáo Pháp phong phú của Đức Phật.
Thành ngữ có câu “Bước đầu không sai thì nghìn bước sau đều đúng”.
Từ muôn đời nay, ai cũng muốn được sống đầy đủ, bình an, hạnh phúc. Trong cuộc sống, lại có nhiều lý lẽ, nhiều học thuyết, nhiều Tôn giáo đưa ra những lý thuyết và hứa hẹn một cuộc sống sung sướng, hạnh phúc. Thậm chí, mỗi người vẫn tự tìm lấy một triết lý sống, cố gắng tạo cho được cuộc sống sung sướng, hạnh phúc… Dù sao chăng nữa thì đó cũng là lý lẽ của riêng một người, hay một nhóm người, từ quan niệm sung sướng, hạnh phúc của riêng mình mà thôi. Người khôn ngoan thì đi tìm, lựa chọn, rồi học theo một triết lý, một học thuyết nào đúng đắn nhất.
Có thể chúng ta chưa thật rõ về Đạo Phật thế nào, và Phật dạy những gì?… Nhưng ít nhiều chúng ta đã nghe nói đến, đã thấy vẻ thánh thiện, hấp dẫn của Đạo Phật, hoặc ngưỡng mộ những sức mạnh thần bí của Chư Phật, hoặc tin tưởng sẽ được cảm thông, được che chở bởi lòng Từ Bi vô cùng của Chư Phật, chư Bồ Tát… mà lựa chọn xin Quy y theo Đạo Phật.
Nếu chúng ta chưa đủ sức hiểu về Đạo Phật, chỉ cần noi theo những bậc trí tuệ, khôn ngoan trước đó, để có đủ lòng tin Quy Y Đạo Phật.
Ví dụ: ở Việt Nam, từ hơn 1000 năm nay, các vị vua anh minh tài giỏi như Lê Đại Hành, rồi Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), cứ nối tiếp nhau nhiều đời, vẫn tôn sùng Đạo Phật, lấy Giáo Pháp của Phật làm kim chỉ nam định hướng lối sống cho chính mình và cho cả dân tộc Việt. Còn có cha con vua Trần Nhân Tông, rời bỏ ngai vàng đi tu theo Đạo Phật. Vua Trần Nhân Tông được tôn là Phật Hoàng, là Tổ đầu tiên của phái Thiền Trúc Lâm, Việt Nam.
Ở Trung Quốc, khi Đạo Phật du nhập vào đây, các bậc minh quân như vua Đường, rồi nhiều đời vua sau nữa đều say mê học Giáo lý nhà Phật. Cần nhớ rằng, lúc ấy những học thuyết Nho Giáo của Khổng Tử, Đạo Giáo của Lão Tử v.v… đã rất được sùng bái ở Trung Quốc rồi.
Ở Ấn Độ, ngay thời Đức Phật Thích-Ca cách đây hơn 2500 năm, thì phần lớn các đệ tử xuất gia theo Phật, là các bậc Vương tôn, Công tử con cháu Vua Chúa, như Tôn giả A-nan, tôn giả Nan-đà…; có các bậc học giả uyên bác của giới Bà-la-môn như ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Kiều-trần-như…; có hàng thương gia giầu có, như ngài Cấp-cô-độc…; có các vị vua đương thời cũng quy y Phật, như vua Tần-bà-sa-la, vua Ba-tư-nặc, vua A-xà-thế…
Vài trăm năm gần đây, các học giả phương Tây biết đến Đạo Phật, đã rất kính trọng, ngợi ca, mà tiêu biểu là câu nói của Bác học vĩ đại Anh-xtanh (người Mỹ, gốc Do Thái) ca ngợi Đạo Phật là khoa học, là cao thượng, bình đẳng… Ngày nay, Đạo Phật đang rất phát triển ở Anh, ở Mỹ, ở Úc, ở các nước Châu Âu. Có nhiều giáo sư, tiến sĩ, đã rời bỏ cương vị của mình để đi tu theo Đạo Phật.
Vậy là, chúng ta đã đi theo con đường của các bậc trí tuệ hiền nhân đã đi, chúng ta may mắn có duyên lành mà biết tìm đến với Đạo Phật, tự giác đến xin được Quy Y theo Phật, đấy là Tính Thiện, Tính Phật vốn có trong mỗi người, đã bắt đầu được khơi dậy rồi.
Phần II – Ý NGHĨA TAM QUY
Một người phát nguyện tin theo Đạo Phật, trở thành một Phật Tử, một tín đồ Đạo Phật, phải xin thụ nhận phép Tam Quy, được Chư Tăng chứng thực bằng một Nghi thức tuyên thệ trang nghiêm trước Tam Bảo, được gọi là Nghi lễ Quy Y Tam Bảo, hay Lễ Tam Quy
Người xin Quy y cần có hiểu biết về Đạo Phật, mục đích của Đạo Phật, về những Giới luật tối thiểu, và phải kiên định giữ gìn những điều mà mình đã tuyên thệ, vững lòng nỗ lực tinh tiến, để từng bước đạt được những thành quả trên đường tu Đạo.
A- TAM BẢO LÀ GÌ?
Tam Bảo, là tiếng Hán-Việt, có nghĩa là “Ba thứ Qúy Báu nhất”, hay “Ba Ngôi Báu”, đó là Phật (là Phật Bảo), những Lời dạy của Phật (là Pháp Bảo), và Chư Tăng (là Tăng Bảo).
“Quy y Tam Bảo”, là “Quay về nương tựa vào Ba Ngôi Báu”. Tại sao gọi là “Quay về”. Chẳng phải là lâu nay chúng ta vẫn mải mê tranh đấu làm ăn, vẫn đang tự đi tìm những triết lý sống tận đâu đâu, còn Đạo Phật vẫn ở ngay đây mà không hề biết đến đấy sao.
Quy y theo Đạo Phật, chính là nương nhờ vào Ba Ngôi Báu ấy để biết đường học, biết đường sống, biết đường tu, biết rằng rồi sẽ được những gì, sẽ đi đến đâu.
PHẬT BẢO
Phật là bậc giác ngộ, trí tuệ siêu việt, đã thấy rõ những quy luật chi phối cả vũ trụ, thấy rõ đời sống tâm linh của chúng sinh cứ luân hồi sinh tử mãi trong nhiều kiếp, chịu nhiều nỗi khổ hết kiếp này kiếp khác. Phật là bậc có lòng Từ Bi vô lượng, thương hết chúng sinh chẳng hề phân biệt tầng lớp giầu nghèo, mà kiên định hiện thân trong nhiều loài, nhiều đời để chỉ dạy giáo hóa chúng sinh biết cách sống, cách tu thoát khỏi sinh tử luân hồi
Các vị Phật vốn đã kiên trì tự tu, tự học trong nhiều kiếp, có đầy đủ công đức trí tuệ, lòng từ bi rộng mở, diệt trừ ngã chấp, ra khỏi luân hồi sinh tử. Theo Kinh-Luận Phật giáo Đại thừa, thì vị Phật đầu tiên là Phật Uy-Âm-Vương. Phải qua nhiều đời nhiều kiếp, trải hàng nghìn năm, mới có một vị Phật như thế xuất hiện.
Phật Thích Ca Mâu Ni là Đức Giáo chủ Phật giáo cõi Sa Bà này, là Đức Giáo chủ của chúng ta, là vị Thầy dạy tối cao của chúng ta, nên gọi Ngài là Bản Sư.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một vị Phật có thật. Ngài xuất thân là Thái tử con vua Tịnh Phạn của Quốc Vương Ca-tỳ-la-vệ ở phía Bắc Ấn Độ. Ngài ra đời cách đây 2646 năm, có tên là Cồ-Đàm (Gotama), hay Tất-đạt-đa, hay Sĩ-đạt-đa. (Ngài tịch diệt Niết bàn, cách đây 2566 năm).
Thái tử vốn thông minh, học giỏi, giầu lòng thương người. Từ khi còn niên thiếu, Thái tử đã nung nấu ý nguyện xuất gia, tìm cách cứu giúp chúng sinh thoát khỏi khổ đau, thoát khỏi quy luật Sinh-Già-Bệnh-Chết.
Năm 29 tuổi, Thái tử trốn đi xuất gia, sống theo lối du sĩ, đã từng tìm học qua các bậc thầy tài giỏi, rồi Ngài kiên định trì giới tu lối khổ hạnh suốt hơn 6 năm. Sau cùng, suốt 49 ngày ngồi thiền dưới gốc cây Bồ đề, với trí tuệ siêu việt, Ngài đã Giác ngộ Chân lý, được gọi là Bậc Giác ngộ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Không thể nào lường hết được trí tuệ rộng lớn, lòng Từ Bi, và quyền năng vô lượng của Đức Phật Thích Ca. Khắp các giới, tới Quỷ thần, Chư Thiên… đều kính trọng, nương nhờ, nghe theo và hết lòng hộ trì. Ngài luôn khuyến giáo mọi người tu học theo chính pháp, sẽ đạt Giác ngộ như Ngài. Đức Phật dạy rằng: “Ta chỉ là người chỉ đường, các con hãy tự lực thắp đuốc lên mà đi…”
Chư Phật trong khắp mười phương Pháp giới, dù quá khứ hay tương lai, đều có công đức trí tuệ, Từ Bi vô lượng như nhau; đều là các Bậc Thầy dạy của chúng sinh khắp vũ trụ. Các Phật tử đều phải kính trọng, quy y, nghe lời, học theo Ngôi Báu ấy.
PHÁP BẢO
Sau khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt, các đệ tử của Ngài kết tập những lời Phật dạy thành các bộ Kinh, kết tập các Giới Luật của Phật chế ra thành các Bộ Luật, và kết tập những trước tác quan trọng của các Đại đệ tử Phật thành những Bộ Luận.
Các Bộ Kinh-Luật-Luận này gọi là Ba tạng Kinh điển của Phật Giáo, và được gọi là Pháp Bảo.
Phật tử phải trân trọng giữ gìn Pháp Bảo này, làm phương tiện học hỏi, cố gắng thấu hiểu sâu rộng, đúng đắn lời Phật dạy, không được xem thường cẩu thả để đặt bừa bãi Kinh Phật, mà mắc lỗi.
TĂNG BẢO
Từ thời Phật tại thế, các đệ tử Phật, xuất gia cầu đạo, đều kết hợp lại thành những chúng, sống theo phép “lục hòa”, là:
+ Thân hòa (cùng ăn ở)
+ Miệng hòa (không tranh cãi)
+ Ý hòa (cùng vui vẻ)
+ Giới hòa (cùng tu tập)
+ Kiến hòa (cùng giảng giải cho nhau)
+ Lợi hòa (cùng chia nhau)
Những chúng lục hòa như thế, gọi là Tăng.
Chư Tăng là các bậc có nghị lực lớn, đã lìa bỏ mọi ham muốn thế gian để theo học Phật Pháp, có công đức giữ gìn và truyền bá Giáo lý chân chính cao siêu của Phật cho muôn đời sau, không bị mai một.
Chư Tăng cũng là các vị thầy trực tiếp dìu dắt Phật tử tu học Phật Pháp, là bậc từ bi bình đẳng thực hành Giáo Pháp mà cứu độ chúng sinh. Các Phật tử không những phải luôn kính trọng, mà phải chăm lo Ngôi Báu này, chính là góp công đức lớn để gìn giữ Giáo Pháp chân chính bền lâu, ắt sẽ được phúc báo khó lường.
Theo quan niệm phổ thông, thì: Đức Phật Thích Ca là Phật Bảo. Ba tạng Kinh điển là Pháp Bảo. Các chúng Tăng xuất gia là Tăng Bảo. Tam Bảo như thế, gọi là Trụ trì Tam Bảo. Người theo đạo Phật, chủ yếu là Quy y với Trụ trì Tam Bảo.
Ngoài ra, tín đồ các Tông phái Phật giáo Đại thừa, còn có Quy y với Thập phương thường trụ Tam Bảo. Nghĩa là: Quy y với tất cả Chư Phật trong mười phương. Quy y với Đệ nhất nghĩa đế, là Đạo lý vi diệu nhất của Phật, chứ không chỉ với Tam tạng Kinh điển. Quy y với vô lượng chúng Bồ tát trong mười phương, chứ không chỉ với trụ trì Tăng Bảo hiện tiền.
Dù thế nào đi nữa, thì Tam Bảo là Pháp giới tính, và Tâm thiện là bản lai tự tính, cũng là Pháp giới tính. Nghĩa là: không có Tâm mình ra ngoài Tam Bảo, cũng không có Tam Bảo ra ngòai Tâm tính của mình.
Tự tính bản lai không có ô nhiễm, không có vô minh, đó là Phật Bảo.
Tự tính bình đẳng, không có sai khác, tuy biến hiện ra tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian, nhưng tất cả các pháp đó đều là tự tính, đó là Pháp Bảo
Tự tính có diệu dụng vô lượng vô biên, có vô số tính công đức, hiện vô số thân, làm vô số Phật sự, không đòi hỏi gì cả, đó là Tăng Bảo
Tam Bảo trong tự tính như thế, là Tự tính Tam Bảo. Người tu hành cần quy y với tự tính Tam Bảo để khỏi nhận lầm thật có Tam Bảo ra ngoài tâm tính.
Tam Bảo là Ba Ngôi Báu, mà người Phật Tử phải kính trọng, phải noi theo, là nơi nương tựa, trông cậy, để được che chở chỉ bảo giúp đỡ mình học hỏi tu luyện, cả lúc hoạn nạn khó khăn nữa. Người Phật tử phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn Ba Ngôi Báu ấy
B- SƠ LƯỢC VỀ GIÁO LÝ NHÀ PHẬT
1/ TỨ DIỆU ĐẾ:
Sau khi Đức Phật Thích Ca đạt chính quả, Ngài đã thuyết bài pháp đầu tiên cho 5 vị Tôn giả trong nhóm ông Kiều Trần Như, bài pháp này gọi là “Kinh Chuyển Pháp Luân”, trong đó có “Tứ Diệu Đế”. “Kinh Chuyển Pháp Luân” là một trong những bài thuyết pháp quan trọng nhất của Đức Phật. Các học thuyết căn bản của Đạo Phật, đều có gốc ở đây.
Tứ Diệu Đế, còn được gọi là Bốn chân lý mầu nhiệm, là Tứ chân đế, là Tứ thánh đế. “Bốn Chân lý” gồm có “Khổ Đế”, “Tập Đế”, “Diệt Đế”, và “Đạo Đế”. Tứ Diệu Đế là nền tảng của giáo lý nhà Phật, lấy con người làm trụ cột, lấy nhân bản làm trung tâm, trái ngược với những tôn giáo thường lấy thần linh làm trung tâm.
]– Khổ đế:
Khổ đau là một thực trạng mà con người cảm nhận từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Ðức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thương yêu mà biệt ly là khổ, mong cầu mà không được là khổ. Tóm lại, chấp thủ năm uẩn là khổ”
Khổ là một cảm giác khó chịu, bức xúc, đau đớn của thân thể…, như khi ta bị một gai nhọn đâm, bị chảy máu, v.v… Khổ là sự khổ đau do không toại ý, không vừa lòng… tạo nên nỗi đau đớn về tâm lý. Những mất mát, thua thiệt trong cuộc đời làm mình khổ. Người mình thương, muốn gần mà không được; người mình ghét mà cứ gặp gỡ hoài; mình muốn tiền tài, danh vọng, địa vị nhưng nó cứ vụt qua ngoài tầm tay của mình… Về mặt bản chất, khổ đau là do sự chấp thủ, ngã hóa năm uẩn.
]– Tập đế:
Là nguồn gốc hay nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau khổ. Nguyên nhân của khổ thường được các Kinh đề cập, chính là “tham ái”. Do tham ái mà chấp thủ, bám víu vào các đối tượng của tham ái.
Nguyên nhân sâu hơn và căn bản hơn, chính là vô minh, tức là si mê, không thấy rõ bản chất của sự vật hiện tượng vô thường và chuyển biến, không có cái bền vững độc lập ở trong chúng.
]– Diệt đế:
Là sự kết thúc hay sự chấm dứt khổ đau, dập tắt phiền não. Diệt được nguyên nhân đưa đến đau khổ, thì cũng chấm dứt khổ đau; có nghĩa là hạnh phúc, an lạc.
]– Ðạo đế:
là con đường, hay phương pháp thực hành dẫn đến chấm dứt khổ đau, để đạt được an lạc, hạnh phúc trong đời sống hiện tại, hay hạnh phúc tuyệt đối Niết bàn. Con đường ấy (Đạo đế), chính là “Bát Chính Đạo”.
Như vậy, toàn bộ giáo lý mà Ðức Phật đã dạy đều là Ðạo đế, tổng quát và căn bản gồm có 37 pháp, thường gọi là 37 phẩm trợ đạo. Trong đó, Tám thánh đạo được coi là tiêu biểu và căn bản nhất của Ðạo đế.
2/ BÁT CHÍNH ĐẠO
“Bát Chính Đạo”, hay “Tám Chính Đạo”, hay “Tám Thánh Đạo”, là con đường tu Đạo có tám yếu tố, tám chi. Đó là: Chính kiến, Chính Tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính Tinh tấn, Chính Niệm, Chính Định.
]– Chính kiến (Sammà Ditthi):
Là Thấy và Hiểu đúng đắn, nghĩa là nhận thức đúng về đạo đức của cuộc sống, cái nào là thiện, cái nào là ác. Nhận biết đúng về bản chất của sự vật là vô thường, vô ngã, duyên sinh. Nhận thức rõ bản chất của khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến hết khổ.
]– Chính tư duy (Sammà Sankappa):
Là Suy nghĩ đúng đắn, nghĩa là đừng để đầu óc của mình nghĩ ngợi những vấn đề bất thiện như tham dục, tức tối giận hờn, bạo động hãm hại… mà cần dẫn tư duy của mình hướng về tâm cao thượng như tư duy về sự buông thả, sự giải thoát, về thương yêu giúp đỡ chúng sinh, về sự bất bạo động, nhẫn nhục, trầm tĩnh.
]– Chính ngữ (Sammà Vàcà):
Là Ngôn ngữ đúng đắn, nghĩa là không nói những lời đưa đến đau khổ, chia rẽ, hung bạo, căm thù… Cần nói những lời lẽ đưa đến xây dựng niềm tin, đoàn kết hòa hợp, thương yêu và lợi ích.
]– Chính nghiệp (Sammà Kammanta):
Là Hành vi đúng đắn, nghĩa là không có hành vi giết hại, trộm cướp, hành dâm phi pháp. Thực hành sự thương yêu, cứu giúp, không ham muốn thú vui bất thiện.
]– Chính mạng (Sammà Ajivà):
Là Ðời sống đúng đắn, nghĩa là phương tiện mưu sinh, nghề nghiệp chân chính, không sống bằng những nghề phi pháp, độc ác, gian xảo.
]– Chính tinh tấn (Sammà Vàyàma):
Là Nỗ lực đúng đắn, nghĩa là nỗ lực đoạn trừ điều ác, nỗ lực thực hành điều thiện.
]– Chính niệm (Sammà Sati):
Là Nhớ nghĩ đúng đắn, nghĩa là đừng nhớ nghĩ các pháp bất thiện, đừng để cho các đối tượng bất chính dẫn dắt mình đi lang thang. Phải an trú tâm ý vào thiện pháp, không quên thiện pháp.
]– Chính định (Sammà Samàthi):
Là Tập trung tư tưởng đúng đắn, nghĩa là đừng để tâm thức bị rối loạn, tập trung tư tưởng làm an tịnh tâm thức một cách đúng đắn, có hiệu quả phát triển tuệ giác.
Mối quan hệ giữa các chi phần Bát chánh đạo là không thể phân ly, chi phần này có trong chi phần kia, cái kia hỗ trợ cho cái này. Tám Chính đạo có thể chia làm 3 bước là Giới, Ðịnh và Tuệ.
Giới là Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng; Ðịnh là Chính tinh tấn, Chính niệm, Chính định; Tuệ là Chính kiến, Chính tư duy.
Xác định Bát chính đạo là con đường đưa đến giải thoát, Ðức Phật dạy: “Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát thánh đạo thì ở đấy không có Tứ quả Sa môn” (kinh Ðại Bát Niết bàn, TB I).
Ðức Phật dạy thêm: “Nếu những Tỳ kheo sống chân chính (theo Bát chánh đạo) thì cõi đời này không thiếu vắng những vị A La Hán”.
Con đường tu tập của Ðạo đế là con đường nỗ lực tự thân của mỗi hành giả Phật tử; con đường ấy vừa thực tiễn vừa có hiệu quả ngay tại đời sống này.
3/ LUẬT “VÔ THƯỜNG”
Thế giới này là luôn biến đổi, là “vô thường”, không có gì là “thường hằng”. Nếu tâm tưởng của ta, năm uẩn của ta cứ bám vào mong muốn sự bền vững, “thường hằng”, là “khổ”.
Trong “Kinh Chuyển Pháp luân”, Đức Phật có nói:
“… sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ… không đạt được những gì mình mong ước là khổ; nói ngắn gọn, bám chặt vào năm uẩn là khổ”.
Ở đây, “bám chặt vào năm uẩn” là nói về ý nghĩ, mong muốn “chủ quan”, là “cái tôi”, “cái ngã” của ta.
4/ LUẬT “NHÂN QUẢ”, “NGHIỆP QUẢ”
“Kinh Tiểu nghiệp phân biệt”, trong Trung bộ Kinh, Đức Phật nói rõ về lối sống thiện-ác, hay “con đường” ta đi là thiện hay ác, sẽ dẫn đến kết quả thiện-ác:
“…con đường đưa đến tái sinh cao sang (sẽ) làm cho con người được tái sinh vào chỗ cao sang; con đường đưa đến ngu dốt (sẽ) làm cho con người tái sinh thành kẻ ngu dốt; con đường đưa đến trí tuệ (sẽ) làm cho con người tái sinh thành kẻ có trí tuệ”.
“Chúng sinh là chủ nhân của Nghiệp, là kẻ thừa kế Nghiệp, xuất phát từ Nghiệp, ràng buộc với Nghiệp, Nghiệp là nơi nương tựa của họ. Chính là Nghiệp đã phân biệt chúng sinh thành kẻ cao sang, người hạ liệt”.
5/ BA THỨ ĐỘC HẠI
“Ba độc” (hay Tam độc), là: Tham, Sân, Si.
Đây là 3 thói xấu trong Tâm (trong Ý tưởng) của con người, nó chi phối và dẫn đến các hành vi bất thiện, mà Đức Phật nói rằng “Ý dẫn đầu các pháp. Ý làm chủ tạo tác…”.Những Ý xấu này, được bộc lộ ra bằng Hành động của Thân, và Lời nói từ Miệng. Chính những Độc này là nguyên nhân mang đến nhiều bất hạnh, chướng nạn trong đời sống hiện tại, và cả nhiều kiếp sau nữa.
Ba độc “Tham-Sân-Si”, cùng những lỗi lầm của Thân, Miệng, thường được nhắc đến nhiều nhất, và luôn được nêu trong Kệ Sám hối, ở mỗi khóa Tụng kinh, để nhắc nhở ta luôn nhớ kiểm soát Thân-Miệng-Ý của mình.
Truy cứu xa hơn, thì Tham-Sân-Si phản ánh rõ ham muốn, quan niệm, tư kiến của một cái “Tôi”, cái “Ngã”. Các ý nghĩ, Tri kiến từ một cái “Tôi”, cái “Ngã”, chỉ là của riêng, luôn dễ khiếm khuyết, sai lầm, lệch lạc, làm cho cuộc sống mỗi người thật khó hòa hợp, chẳng thấy vừa lòng. Nhưng lại chẳng thể tìm thấy cái “Ngã” ấy nằm ở đâu trong con người cả.
Đức Phật đã có bài thuyết pháp “Vô Ngã tướng” thật cao siêu, chưa từng có Giáo phái nào, lý thuyết nào nói đến. “Vô Ngã” là 1 trong “Tam Pháp Ấn” của Giáo Pháp nhà Phật. (“Tam Pháp Ấn” là 3 dấu ấn, gồm có Vô thường, Vô ngã, và Khổ; là những dấu hiệu đặc trưng của học thuyết Phật Giáo).
Nếu chúng ta thanh lọc, loại bỏ được 3 độc Tham-Sân-Si, loại bỏ được cái Bản Ngã nhỏ bé, tăm tối, vô minh, tức là làm Tâm-Thân thanh khiết trong sạch, thì những chướng nạn, tai ương sẽ được tiêu trừ, được bình an trong đời hiện tại, và đang đi trên con đường giải thoát.
Tu là từng ngày từng giờ, luôn lưu tâm chú ý, loại dần những độc xấu, cho Thân Tâm ngày càng được trong sạch.
6/ NĂM GIỚI (NGŨ GIỚI)
Đây là 5 cấm giới của Phật chế định ra.
Năm Giới, có:
1-Không sát sinh, không làm hại các sinh vật.
2-Không trộm cắp, lường gạt
3-Không tà dâm bất chính
4-Không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời đâm thọc, không nói lời thêu dệt, không nói lời hung dữ.
5-Không uống rượu và những chất gây nghiện.
Dù chia ra Nghi lễ thụ Ngũ Giới riêng (sau Nghi lễ Tam Quy), nhưng người Phật tử sau khi thụ Tam Quy cần thực hành 5 giới cấm này. Đây là phẩm chất, là Đức hạnh chuẩn mực để phân biệt đệ tử Phật Giáo với các tôn giáo khác. Đây cũng là những Nhân lành để tiêu trừ Nghiệp ác, thoát khỏi những bất hạnh, chướng nạn ở cuộc sống hiện tại.
Trên đây chỉ nêu sơ lược những Giáo lý tối cần thiết cho Phật tử mới Quy Y để biết và thực hành trong đời sống. Còn nhiều giáo lý quan trọng khác, cần phải tìm hiểu học hỏi, phát triển tuệ giác, như “Thuyết Vô ngã”, “Luật Luân hồi”, “Thuyết Duyên sinh” (12 nhân duyên), “Năm căn”, “Năm uẩn”, “Sáu thức”, “Phép quán hơi thở”, “6 nẻo luân hồi”, cùng Lịch sử Đức Phật, Lịch sử Phật Giáo, và những Nghi thức – Phép tắc ứng xử trong chúng Phật tử, v.v… mà mỗi Phật tử có thể chủ động tìm hiểu trong Kinh sách, trên các trang Web Phật giáo uy tín, để học hỏi dần từng bước.
]
Phần IV – ĐỐI VỚI PHẬT TỬ QUY Y
I- NHỮNG ĐIỀU PHÁT NGUYỆN
Quy y là một Nghi lễ và là một dịp Phát nguyện trước Tam Bảo, cương quyết cải tà quy chính, nói một cách khác là cương quyết đi theo Tam Bảo chứ không lạc vào con đường khác
1. Quy y Phật, vĩnh bất quy y Thiên, Thần, qủy, vật.
Nghĩa là Quy y với Phật rồi, thì vĩnh viễn không quy y với Trời, với Thần, với quỷ, với vật. Ngoại đạo thường mê tín theo các ông Trời, ông Thần, loài ma quỷ và các loài vật thành tinh, như cây, đá, cọp, rắn, gấu, bò v.v… Tín đồ đạo Phật biết trời, thần, quỷ, vật, chỉ là những loài chúng sinh trong vòng luân hồi, nên cương quyết không theo họ mà chỉ quy y theo Phật để được giải thoát.
Nên nhận rõ rằng những loài trời, thần, quỷ, vật, đều mê lầm như chúng ta, đều còn bị ràng buộc trong bản nghiệp, nên không thể hiểu biết chúng ta và thường cũng không có quan hệ gì với chúng ta.
2. Quy y Pháp, vĩnh bất quy y ngoại đạo, tà giáo
Nghĩa là quy y với Phật pháp, nguyện vĩnh viễn không quy y với ngoại đạo, tà giáo. Ngoại đạo là những đường lối tu hành như đạo Nho, đạo Lão, đạo Hồi… không đưa đến kết quả giải thoát. Tà giáo là những lời dạy bảo sai lầm, trái với nhân quả, tăng trưởng các nghiệp ác.
Tín đồ đạo Phật, chỉ nương theo Phật pháp mà thôi, không nên xem đạo Phật cũng là một đạo như các đạo khác, không nên tìm đọc kinh điển của các đạo khác, khi chưa hiểu Phật pháp; chỉ khi nào có đủ trí tuệ, phân biệt chính tà, thì mới nên xem qua các kinh điển ngoại đạo, để chỉ trích nhũng sai lầm và bảo vệ chính pháp.
3. Quy y Tăng, vĩnh bất quy y tổn hữu, ác đảng
Nghĩa là quy y với Tăng chúng theo đạo Phật, nguyện vĩnh viễn không bao giờ đi theo tổn hữu và ác đảng.
Tăng chúng đạo Phật sống theo phép lục hòa, là thiện hữu, là thiện tri thức của chúng sinh, còn tổn hữu là những người xui dục làm những điều tổn thương đến đức hạnh, đến thiện niệm và chính niệm, ác đảng là những bè phái gây tổn hại cho đa số người, như bè lũ phản quốc, áp bức giết hại nhân dân, phục vụ cho quyền lợi của bọn xâm lược nước ngoài. Tín đồ Phật giáo chỉ quy y với Tam bảo, quyết không theo những tổn hữu ác đảng, dù họ có khoác áo người tu hành.
Quy y Tam bảo là ba điều nguyện mà tín đồ đạo Phật cần phải giữ trọn, thì mới xứng đáng là Phật tử. Vì thế không nên truyền thụ Tam quy cho những người chưa hiểu rõ và chưa phát nguyện. Quy y lúc còn nhỏ tuổi chỉ là kết duyên, không có tác dụng xác thực, khi đã lớn hiểu rõ và biết phát nguyện, thì nên phát nguyện trước Tam bảo, quy y đúng theo Chính pháp.
Tín đồ đạo Phật chúng ta còn tụng Tam tự quy:
– Tự quy y Phật, đương nguyện chúng sinh, thể giải đại đạo, phát vô thượng tâm.
– Tự quy y Pháp, đương nguyện chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như hải.
– Tự quy y Tăng, đương nguyện chúng sinh, thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại.
Nghĩa là:
– Tự mình quy y Phật, thì nên nguyện cho chúng sinh thấu rõ đạo Phật, phát lòng Bồ – đề vô thượng.
– Tự mình quy y Pháp, thì nên nguyện cho chúng sinh đi sâu vào đạo lý của kinh điển, trí tuệ rộng lớn như biển.
– Tự mình quy y Tăng, thì nên nguyện cho chúng sinh có khả năng dìu dắt đại chúng tu tập, tổ chức cho đại chúng theo phép lục hòa, được vô ngại tự tại.
Ba câu này biểu hiện sự nhận rõ về Tam bảo và lòng từ bi, mong cho chúng sinh cũng hiểu rõ như thế và thiết thực học tập tu trì để cùng góp sức xây dựng Tam bảo
Phát nguyện quy y Tam bảo có lợi ích rất lớn, vì quy y Tam bảo tức là cải tà qui chính, tức là làm lành, bỏ dữ, do đó quyết định không đọa vào ba đường dữ. Điều cốt yếu là phải phát nguyện thành thực, một lòng tin tưởng Tam bảo, không tin những ngoại đạo tà giáo, những trời, thần, quỷ, vật, cả trong những lúc bị hoạn nạn, bị khó khăn thì mới được sự lợi ích của việc quy y Tam bảo.
Trong nước ta, thường có phong tục thờ cúng tổ tiên, tín đồ đạo Phật hiểu rằng, ông, bà, cha, mẹ, thân bằng quyến thuộc, khi đã lâm chung thì trừ khi được về Tịnh độ còn lại là tất cả phải luân hồi trong lục đạo nên không thể có cái hồn về hưởng các lễ tiến cúng, vì thế tín đồ chỉ nên xem ngày kỵ lạp là những ngày kỷ niệm, và trong những ngày ấy thường làm những việc thiện và tụng kinh niệm Phật để hổi hướng cho vong linh sớm giác ngộ tu theo đạo Phật và vãng sinh Tịnh độ.
II- VIỆC CẦN LÀM CỦA PHẬT TỬ TẠI GIA:
- Học hỏi, tìm hiểu Giáo lý Nhà Phật
Thông qua đọc Kinh sách, nghe giảng Pháp, thảo luận trong chúng, thỉnh hỏi chư Tăng hoặc các thiện trí thức v.v… Việc làm này giúp bổ sung kiến thức Đạo Phật, mở mang trí tuệ, tu đạo tinh tấn và đúng hướng.
- Niệm Phật
Niệm Phật là nhớ nghĩ đến đức Phật. Nhớ nghĩ đến các đức tính từ bi, trí huệ, các đức tướng thanh tịnh trang nghiêm của Phật. Nhớ nghĩ đến các công hạnh cứu độ chúng sinh đầy lòng từ bi quảng đại của Phật. Những phẩm chất cao đẹp ấy, cần đem áp dụng vào cuộc sống của mình và mọi người cho được hữu ích; mong tất cả đều giải thoát và giác ngộ như Phật. Đây là một pháp môn trong muôn ngàn pháp môn mà Phật đã nói ra cho hàng Phật tử tu tập.
Hiện nay có nhiều Pháp môn, nên có nhiều cách niệm Phật, như nhớ nghĩ hình dung các đức tính của Phật, hoặc nhẩm đọc danh hiệu Phật v.v… cần tìm hiểu thêm
- Sám hối
Muốn tiêu trừ tất cả tội ác mà chúng ta đã vô tình hay cố ý gây tạo ra, thì cần phải chí thành sám hối. Sám hối nghĩa là ăn năn tất cả tội ác đã gây ra từ trước và nguyện từ nay về sau không gây tạo thêm nữa. Sám hối là phương pháp tu hành có hiệu quả to lớn khó lường. Nếu y theo nghĩa này mà sám hối thì nhiều tội ác nặng hay nhẹ đều có thể tiêu trừ được hết.
Phương pháp sám hối có nhiều, nhưng thông dụng nhất là “tác pháp sám hối”: Mỗi tháng vào tối 14 và 30 ở các chùa hoặc niệm Phật đường, chư tăng cùng tín đồ tập họp đông đủ trước Tam Bảo chí thành lễ hồng danh các đức Phật để cầu xin sám hối. Cần nhớ rằng, đã sám hối như vậy thì từ ngày ấy về sau phải luôn giữ gìn ba nghiệp thân, miệng và ý không gây tạo lỗi lầm nữa. Có như vậy, bao nhiêu tội từ trước mới tiêu trừ được.
Thực ra, việc Sám hối hiệu quả nhất, là cần được thực hành mọi nơi, mọi lúc, để tập thành thói quen kiểm soát Thân-Khẩu-Ý của mình cho không tạo nghiệp ác.
- Thực hành ăn chay
Ăn chay là ăn những rau trái dưa đậu mà không ăn thịt, cá, tôm, cua v.v… Việc ăn chay được hiểu là tu tập từ bi, không sát sinh hoặc tạo cơ hội sát sinh. Mặt khác, còn rời bỏ ham muốn thỏa mãn giác quan, và tránh thu nạp những tố chất làm cho việc tu tập thêm khó khăn. Tùy theo khả năng và sự phát nguyện, chúng ta có thể ăn những trai kỳ như sau: Mỗi tháng ăn chay
+ Hai ngày (nhị trai): Mồng một và Rằm
+ Bốn ngày (tứ trai): Ba mươi, mồng 1, 14 và Rằm
+ Sáu ngày (lục trai): Mồng 1, 14, Rằm, 18, 23, 30.
+ Mười ngày (thập trai): Mồng một, mồng 8, 14, Rằm, 18, 23, 24, 28, 29 và 30
+ Mỗi năm ăn chay ba tháng (tam nguyệt trai) – tháng Giêng, Năm và tháng Bảy
+ Hoặc ăn chay những ngày vía Phật và ăn chay trường như các vị xuất gia thì càng quý.
5- Thờ Phật
Tượng Phật ngự tại nhà để nhắc nhở Phật tử luôn nhớ tới Phật, luôn tu tập noi theo những đức tính cao quý của Ngài, như Từ bi, Hỷ xả, Hùng lực, Bình đẳng, Thanh tịnh, Trí huệ …
Thờ Phật là thờ chân lý cao siêu tuyệt diệu. Không gì quý hơn có Phật ngự trị trong nhà.
6- Lạy Phật
Đức Phật là bậc giác ngộ, đã trải qua vô lượng kiếp tu hành, phước đức cao dày vô biên. Lạy Phật không những kính ngưỡng đấng Cha lành đã cứu độ biết bao sinh linh ra khỏi trầm luân khổ hải, mà còn tỏ lòng biết ơn đã được thụ hưởng Pháp báu từ lòng Từ bi vô lượng của Ngài. Nhờ đó, chúng ta cũng được nhiều phước đức, thêm công năng sửa mình, phục thiện, dẹp bỏ ngã mạn, diệt trừ các phiền não nghiệp chướng.
7- Cúng Phật
Hằng ngày chúng ta đốt một nén hương, dâng một cành hoa cúng Phật để tỏ lòng thành kính tri ân, cũng là bổ túc luôn nhớ tưởng niệm Phật. Như thế, sẽ tạo được phước đức trong hiện tại và mai sau. Cúng Phật cần nhất là phải thành tâm. Vật phẩm dâng cúng phải sạch sẽ, tươi mới, thanh tịnh, mà không câu nệ to nhỏ, đắt rẻ.
Câu chuyện cậu bé cúng đất sét cho Phật, bà già cúng đèn, người hành khất cúng muối… đã chứng tỏ rằng với lòng thành thì vật nhỏ mọn cũng trở thành quý giá.
8- Tụng Kinh
Mỗi khóa tụng kinh là một buổi học để hiểu và nhớ lời Phật dạy. Có những lời Phật dạy, đến một lúc chợt liễu ngộ được. Tụng Kinh giúp cho ba nghiệp được thanh tịnh, dẹp bỏ vọng tâm, nuôi dưỡng tâm thần, sinh định và phát huệ. Phải tụng đọc rõ ràng, trang nghiêm và đúng đắn.
III- BỔN PHẬN CỦA PHẬT TỬ TẠI GIA
Người Phật tử sau khi quy y Tam bảo rồi, phải luôn giữ gìn, thực hành là một Phật tử chân chính, phải nhận thức và thực hiện đúng với bổn phận của mình:
a- Đối với Tam bảo: Phải có lòng tin vững chắc, không dao động. Không làm điều gì phương hại đến Tam bảo. Nhiệt tâm hộ trì và truyền bá chánh pháp. Ủng hộ các bậc xuất gia chân chính thực tâm tu học và hoằng dương đạo pháp.
b- Đối với xã hội: Lấy tinh thần từ bi và bình đẳng của Đức Phật, mà hết lòng phục vụ và xây dựng xã hội, làm cho cuộc sống nên yên vui hòa hợp, không có sự tranh giành, ganh ghét hãm hại lẫn nhau.
c- Đối với gia đình: Phải hiếu thảo với cha mẹ. Hòa thuận vợ chồng, anh em họ hàng thân thích… Xây dựng gia đình trên nền tảng Phật hóa.
d- Đối với bản thân: Tinh tấn tu học đúng theo giáo pháp Phật dạy. Bỏ dần dục vọng, ích kỷ. Tập sống cuộc đời rộng rãi, giải thoát. Luôn luôn làm những điều lợi mình lợi người. Tin đúng nhân quả. Nhận rõ tất cả sự vật đều vô thường để không sinh tâm tham đắm, hướng cuộc đời đi đúng vào con đường giác ngộ.