Phật nói về gốc rễ của thiện và bất thiện

255 lượt xem

Thiện hay bất thiện trong thế gian có nhiều quan niệm, quy chuẩn khác nhau. Theo đạo Phật, thân làm ác (giết hại, trộm cướp, tà hạnh), miệng nói ác (nói dối, nói chia rẽ, nói thô ác, nói thêu dệt-dua nịnh), ý nghĩ ác (tham lam, sân hận, si mê) là bất thiện.

“Một thời Phật du hóa tại thành Vương-xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử vào lúc xế từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Tôn giả Đại Câu-hy-la, chào hỏi nhau xong rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Xá-lê Tử nói rằng:

– Này Hiền giả Đại Câu-hy-la, tôi có điều muốn hỏi, Hiền giả nghe cho chăng?

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:

– Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, muốn hỏi xin cứ hỏi, tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.

Tôn giả Xá-lê Tử hỏi rằng:

– Hiền giả Đại Câu-hy-la, thế nào là bất thiện, thế nào là bất thiện căn?

 Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

– Thân ác hành, khẩu và ý ác hành, đó là bất thiện vậy. Tham, nhuế, si, đó là bất thiện căn vậy.

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

– Hay thay! Lành thay! Hiền giả Câu-hy-la.

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

– Hiền giả Câu-hy-la, thế nào là thiện, thế nào là thiện căn?

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

 

 – Thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh, đó là thiện vậy. Không tham, không nhuế, không si, đó là thiện căn vậy.

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

– Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Bô-đa-lợi, kinh Đại Câu-hy-la, số 211 [trích, lược])

Phật dạy về năm thứ tạp uế trong tâm

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lời bàn: 

Thiện hay bất thiện trong thế gian có nhiều quan niệm, quy chuẩn khác nhau. Theo đạo Phật, thân làm ác (giết hại, trộm cướp, tà hạnh), miệng nói ác (nói dối, nói chia rẽ, nói thô ác, nói thêu dệt-dua nịnh), ý nghĩ ác (tham lam, sân hận, si mê) là bất thiện. Ngược lại là thiện. Nếu tạo mười nghiệp bất thiện thì sẽ chịu tái sinh trong ba đường ác. Tạo mười nghiệp thiện thì tái sinh vào trời người hưởng phước vô cùng. Nếu tạo các nghiệp thiện ác lẫn lộn thì tùy vào tương quan thiện ác đã tạo trong quá khứ và nỗ lực hướng thiện trong hiện tại mà tạo ra hiện thực khổ vui khác biệt của mỗi cá nhân.

Những nghiệp được tạo ra nơi thân và miệng thì mình biết và nhiều người cùng biết. Duy chỉ có ý nghiệp thì của ai nấy biết. Sông sâu, biển rộng vẫn dò được chứ lòng người thì khó lường. Nơi sâu kín khó dò tìm này là cội rễ (căn) của lời nói và hành động. Những ý nghĩ trỗi dậy, tư duy và nung nấu đến chín muồi rồi chi phối lên lời nói và hành động. Như một cội cây, gốc rễ là ý nghiệp, cành lá là khẩu và thân nghiệp. Người ta chỉ thấy cành lá, rễ cây chìm trong đất nên khó thấy.

Lẽ thường, tâm ý thế nào thì biểu hiện ra lời nói và hành động thế nấy. Tâm ý bất thiện thì chắc chắn nói năng và hành xử sẽ xấu ác. Tâm ý thiện lành sẽ biểu hiện ra những điều tử tế, tốt đẹp. Tuy vậy, một số người bên ngoài vẫn chững chạc, đàng hoàng nhưng tâm ý lại đen tối, xấu xa. Đây là hạng người nguy hiểm. Nhưng cây kim trong túi lâu ngày vẫn lòi ra, không thể che giấu mãi được. Vấn đề là thời gian và cơ hội để chúng ta nhận diện rõ hơn về một con người.

Đức Phật đã xác định “Ý dẫn đầu các pháp” nên chưa hẳn đã thực khôn khi khéo che đậy những ý đồ đen tối, tâm tư bất thiện. Như người ôm bom khó mà an toàn, nguy hiểm luôn rình rập. Khi nào quăng bỏ quả bom ra khỏi người mới có thể thở phào. Vì vậy, dù bận rộn thế nào cũng dành thời gian hướng nội, tập tiếp xúc và nhận diện về tâm của mình. Nó bao gồm những gì, sinh diệt ra sao, chi phối lên lời nói và hành động thế nào…để thấy được tầm quan trọng của tâm ý.

Nếu thấy tâm ý còn nặng nề tham lam, thù hận, si mê thì biết nguy cơ tạo ác nghiệp luôn chờ chực, sẵn sàng. Tìm cách chuyển hóa bớt những tâm xấu ác này để làm người tử tế và tạo nghiệp trong sạch. Mấy mươi năm cuộc đời tuy dài mà ngắn, hãy tận dụng đời này để kiến tạo đời sau, từng bước đi lên, thăng hoa, hướng thượng. Tu tâm chính là chuyển hóa ý nghiệp, giảm thiểu tham sân si, vun bồi gốc rễ thiện lành.

Chùa Vạn Niên