11:43:09 PM 2021-05-25
Tôi luôn biết ơn Thầy giáo thọ của tôi, là Thượng tọa Thích Minh Tuệ, trụ trì Chùa Vạn Niên, đã tin tưởng giao cho công việc sửa lỗi chính tả các Kinh sách của Chùa, nhờ đó có duyên lớn tìm đọc nhiều Kinh, Luận để so sánh, để hiểu nghĩa… Còn nhiều duyên lớn may mắn nữa, cho tôi được đến càng gần hơn, nhiều hơn với lời dạy chân thật của Đức Phật
Vào Rằm tháng Tư âm lịch hàng năm, các Chùa chiền ở Việt Nam, các Trung tâm Phật giáo, cùng các Phật tử khắp Thế giới, vẫn hân hoan kỷ niệm ngày Đản sinh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị Giáo chủ, người Thầy tối cao của mình, một bậc trí tuệ siêu việt của nhân loại, thường gọi là Bậc Toàn Giác.
Từ “Phật”, vốn được phiên âm từ tiếng Hán, mà tiếng Hán lại Phiên âm từ tiếng “Bhudda”, được giải nghĩa là “Trí tuệ, Giác ngộ”. Nếu ghép từ đó với một con người cụ thể thì gần gũi với nghĩa “Hiền triết, Thông thái” hơn.
Đức Phật Thích Ca là một con người có thật, mà Trái tim nhân hậu, bao dung, thương cảm, và Trí tuệ, Đức độ, của Ngài vượt hơn hẳn các vị Trời, hay Thần, Thánh, Siêu nhân nào khác. Giáo lý của Ngài truyền đến nay đã hơn 2500 năm, vẫn ẩn chứa những điều thâm sâu huyền diệu, nhưng rất thực tế, rất gần gũi.
Tôi luôn biết ơn Thầy giáo thọ của tôi, là Thượng tọa Thích Minh Tuệ, trụ trì Chùa Vạn Niên, đã tin tưởng giao cho công việc sửa lỗi chính tả các Kinh sách của Chùa, nhờ đó có duyên lớn tìm đọc nhiều Kinh, Luận để so sánh, để hiểu nghĩa… Còn nhiều duyên lớn may mắn nữa, cho tôi được đến càng gần hơn, nhiều hơn với lời dạy chân thật của Đức Phật.
Thật ngạc nhiên thấy sự tương đồng giữa Giáo lý cơ bản của ngài, với Triết học hiện đại – là Triết học Mác; nghĩa là có sự tương đồng với tri thức khoa học, giữa một khoảng cách xa tới 2500 năm:
Đạo Phật có “Luật Vô thường”, thì Triết học Mác có “Vận động là thuộc tính của vật chất”. Cả hai, đều nói về thế giới xung quanh luôn luôn biến đổi, thay đổi, chuyển hóa, không có gì là “thường còn”, “thường hằng” mãi mãi…
Đạo Phật có “Luật Nhân-Quả”, thì Triết học Mác có “Tính Nguyên nhân và Kết Quả”, trong mối liên hệ của vật chất. Cả hai, đều nói về tính chất Nhân-Quả của quá trình vận động, biến đổi, chuyển hóa
Đạo Phật có “Luật Luân hồi”, thì Triết học Mác có “Quy luật phát triển hình xoáy trôn ốc” trong vận động phát triển của vật chất. Cả hai, đều nói đến hình thức vận động, chuyển hóa… có thể mô tả bằng một hình vẽ giống như lò xo.
Và còn nhiều điều nữa trong Giáo lý của Đức Phật có tính tương đồng với Khoa học hiện đại.
Trong Đạo Phật, thì “Quy luật Vô thường” cho thấy, đừng nên để suy nghĩ hay tình cảm bị ám ảnh, hy vọng một cái gì vĩnh cửu, còn mãi…
“Nhân-Quả”, thì có thể dễ nhận thấy luôn ở xung quanh ta. Về Trí tuệ, thì nhân-quả giúp biết nhìn xa, trông rộng, biết được cái gì có trong quá khứ, và cái gì sắp đến trong tương lai. Về ý nghĩa Đạo đức, thì “Làm việc thiện lành, sẽ gặp điều thiện lành. Làm điều xấu ác, sẽ gặp điều xấu ác”.
“Quy luật Luân hồi” thì khó nhìn thấy hơn, nhưng vốn con người cũng là sản phẩm của tự nhiên, lẽ nào lại không tuân theo những quy luật tự nhiên được. Khoa học đã gợi mở để khám phá những bí mật còn chưa biết trong quan niệm Luân hồi của Phật Giáo.
Nhưng Luân hồi, cùng Vô thường và Nhân quả, cho thấy ý nghĩa lớn lao hơn nhiều, mà Đức Phật đã nhìn thấy và động viên mỗi con người tin tưởng rằng nhất định cải tạo được số phận của chính mình ngày càng tốt đẹp hơn; nói khác đi, là giải thoát khỏi những khổ đau tinh thần, để có được trạng thái Tuệ giác hạnh phúc đúng đắn, chân chính hơn.
Nhiều Phật tử thành thật nói rằng, vẫn chưa thật rõ Đạo Phật là gì? Điều này cũng chẳng lạ lắm, bởi chúng ta đang được tiếp cận, đang được học một Giáo lý có tính khoa học, vượt trước thời gian.
Nhưng không chỉ có thế. Nếu lần theo bước đi của Đức Phật, bắt đầu từ bài thuyết pháp đầu tiên của Ngài, là “Kinh Chuyển Pháp luân”, hay còn gọi là “Tứ Diệu đế”, trong đó có nêu pháp tu “Bát chính đạo”.
Ở đây còn nhận ra, đang được Ngài dạy dỗ một lối sống có trái tim nhân hậu, và tình cảm rộng lớn của các bậc Thánh. Có thể thấy, ngay thời Đức Phật rất xa về trước, khái niệm “bình đẳng”, “công bằng” thật khó hiểu, khó tìm.
Thậm chí đến ngày nay, nhiều học giả Phương tây thừa nhận còn không biết đến, hoặc không hiểu, thế nào là “lòng từ bi”. Ngay giờ đây, thế giới vẫn đang tìm kiếm sự “công bằng”, “bình đẳng”, “hòa bình”, “nhân ái”…thật khó khăn.
Nếu có được một trí tuệ, một trái tim rộng lớn như thế, có thể nhìn thấy thế giới vẫn còn chiến tranh tàn phá khắp nơi, dịch bệnh khắp nơi, nghèo đói khắp nơi, độc ác khắp nơi, đầy rẫy hiểm họa từ thiên nhiên và chính con người… sao lại không thương cảm, và không nhận ra chân lý “Khổ” mà đức Phật truyền dạy? Ngài còn truyền cho nghị lực vươn lên, là “Diệt khổ”, và phương pháp đúng đắn, với lòng tin chắc chắn sẽ “Diệt được khổ”.
Nói gần hơn, khi suy nghĩ về “5 giới luật”. Chỉ xét trong một gia đình nhỏ, nếu ai cũng biết sống chân thật, không giả dối với nhau; nếu ai cũng nói những lời dịu êm, cởi mở, chân thành với nhau, không có ác ý (không nói dối, không nói hai lưỡi, nói ác); nếu ai cũng biết chia xẻ, biết giữ mình để không vô tình hay cố tình làm đau lòng người khác (không làm hại, không lấy của người khác, không tà dâm, không uống rượu)… thì sao lại không thấy hạnh phúc?
Càng học càng hiểu rõ thêm Giáo Lý của Đức Phật, càng thấy kính phục trí tuệ siêu việt của bậc Đạo sư, và càng có niềm tin vững chắc vào Đức Phật, vào Giáo lý chân chính của Ngài. Các nhà nghiên cứu trên thế giới, cũng nhận định rằng, hiếm có Tôn giáo nào mà hệ thống Giáo Lý mang tính khoa học rõ ràng và đầy lòng nhân ái cao cả như thế.
Không thể nói hết sự vĩ đại của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Một thời gian dài, cứ đứng trước tượng Phật Thích Ca, khắp người tôi rợn lên, trào dâng sự kính phục, tình cảm trìu mến, lẫn lộn xót xa, nước mắt cứ ứa ra. Nhờ Giáo lý của bậc Đạo sư tôn kính, tôi thấy ung dung đi trong đời đầy hiểm họa mà không sợ hãi, tôi biết đó là hạnh phúc.
Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Hà Nội, tuần Kỷ niệm Phật đản, năm 2021 – Phật lịch 2565
Phật tử Quảng Huy