Phật giáo Hà Nội: Tiếp nối lịch sử ngàn năm

476 lượt xem

Từ ngàn năm trước, khi kinh đô được dời về Thăng Long, Phật giáo tại đây đã trở thành trung tâm của công cuộc truyền bá chính pháp. Ngày nay Tăng Ni, Phật tử Thủ đô đã tiếp nối các bậc tiền nhân, xây dựng và phát triển Phật giáo xứng tầm với vị thế là trái tim của cả nước, đặc biệt là trong nhiệm kỳ VI (2007-2012) vừa qua.

Hoàn thiện tổ chức Giáo hội

Có thể nói, năm năm qua là thời gian mà Phật giáo Thủ đô tập trung cho công tác kiện toàn tổ chức Giáo hội khi xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, quyết định sự thành công trong công tác điều hành Phật sự. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, ngay sau khi Nhà nước có chủ trương hợp nhất thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây, Phật giáo Thủ đô cũng đã lên kế hoạch cho công tác hợp nhất. Khi Hội nghị hợp nhất Tỉnh hội Phật giáo Hà Tây và Thành hội Phật giáo Hà Nội ngày 2-12-2008 thành công tốt đẹp, tân Ban Trị sự Thành hội đã sớm hoàn thiện các văn kiện có liên quan trình Hội đồng Trị sự phê chuẩn thành phần nhân sự để Ban Trị sự có đủ cơ sở pháp lý, sớm đi vào hoạt động thực hiện chương trình hoạt động Phật sự của Thành hội.

Từ kết quả đó, ngày 9-1-2009, Trung ương Giáo hội ra quyết định chuẩn y thành phần nhân sự Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội nhiệm kỳ VI (2008-2012) với 90 thành viên do Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm làm Trưởng ban, đông nhất cả nước. Ngay sau đó, Ban Trị sự Thành hội đã tổ chức hội nghị để quán triệt chức năng nhiệm vụ và phân công cho từng thành viên cụ thể.

Ngoài ra, theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, vì là đơn vị sau hợp nhất có địa bàn rộng nên tân Ban Trị sự cũng nhanh chóng phê chuẩn thành phần nhân sự của các Ban chuyên ngành nhằm tham mưu cho Ban Trị sự về những vấn đề liên quan, phân công cụ thể các ủy viên phụ trách các đơn vị quận, huyện, thị nhằm giúp Ban Đại diện Phật giáo các quận, huyện, thị giải quyết các công việc Phật sự; đồng thời nắm bắt các thông tin giúp Thường trực Ban Trị sự có những giải pháp kịp thời nhằm thực thi hiệu quả kế hoạch công tác đã đề ra.

Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Phật giáo Thăng Long – Hà Nội (Ảnh: Trung Kiên)

Song song đó, Thường trực Ban Trị sự họp mỗi tháng một kỳ để kiểm điểm Phật sự đã qua và định hướng cho công tác tới. Hàng tháng có những buổi giao ban giữa Văn phòng với lãnh đạo Ban Trị sự để nghe Văn phòng báo cáo công tác đã làm và kịp thời chỉ đạo những công việc cần được giải quyết của tháng tiếp theo. Hàng năm, Ban Trị sự họp định kỳ sơ kết sáu tháng đầu năm và tổng kết cuối năm để kiểm điểm, đánh giá kết quả đã làm được cũng như đề ra phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Ngoài những phiên họp định kỳ, khi có những công việc cần thiết, Thường trực Ban Trị sự đã tổ chức các phiên họp bất thường. Nhờ vậy mà các hoạt động Phật sự của Thủ đô luôn thông suốt.

Cũng từ việc hợp nhất, Thủ đô Hà Nội (mới) có số lượng quận, huyện, thị nhiều nhất cả nước với 29 đơn vị. Nhận thức vai trò quan trọng của Ban Đại diện Phật giáo các quận, huyện, thị trong việc triển khai các công tác Phật sự, nên Ban Trị sự Thành hội đã chỉ đạo tiến hành Đại hội Phật giáo cấp quận, huyện, thị nhằm trẻ hóa hàng ngũ kế thừa trên nguyên tắc có năng lực, đủ đạo hạnh, có công đức với Đạo pháp, Dân tộc. Nhờ vậy mà các hoạt động Phật sự ngay sau đó diễn ra thông suốt, không bị ứ đọng, dù phải mất một thời gian để kiện toàn.

Thành công trong việc kiện toàn tổ chức Giáo hội của Phật giáo Thủ đô chỉ là một mặt của vấn đề. Nhiệm kỳ qua chư Tăng Ni, Phật tử Hà Nội còn làm nên những thành quả nổi bật trong các mặt công tác như: Tăng sự; Giáo dục Tăng Ni; Hoằng pháp; Từ thiện xã hội v.v…

Định hướng cho phát triển

Dù đạt được những thành tựu như trên, nhưng theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, đó chỉ là bước đầu. Hòa thượng cho biết, để Phật giáo xứng tầm với truyền thống hàng ngàn năm, cần có chiến lược và định hướng cho sự phát triển.

Tọa đàm “Phật giáo Thủ đô 30 năm một chặng đường”

Có 6 định hướng chung nhất để đưa Phật giáo Thủ đô tiến xa hơn nữa ở nhiệm kỳ mới mà điều đầu tiên là xây dựng trung tâm Phật giáo thủ đô và trung tâm giáo dục đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Hà Nội, nhằm hoằng dương chính pháp, truyền bá đạo đức – văn hóa Phật giáo phù hợp với đạo đức – văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần xây dựng “Người Hà Nội văn minh – thanh lịch”, đem lại an lạc cho xã hội. Song song đó, là việc nâng cao chất lượng trong công tác quản lý Tăng Ni – tự viện, giáo dục đội ngũ Tăng Ni trẻ có đủ đạo hạnh, năng lực, trình độ Phật học và thế học, vững vàng trong quan điểm, thâm hiểu giáo pháp, có tinh thần dấn thân phục vụ Giáo hội và xã hội. Đây là mục tiêu quan trọng đáp ứng sự phát triển của Giáo hội trong thời đại mới.

Ngoài ra, Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác hoằng pháp, phối hợp chặt chẽ công tác hướng dẫn Phật tử và từ thiện xã hội, đưa lý tưởng giác ngộ của Đức Phật đến quảng đại quần chúng; nâng cao chất lượng sinh hoạt tu học, trau dồi đạo đức, phẩm hạnh cho người Phật tử, góp phần phụng sự chính pháp, xây dựng Thủ đô giàu mạnh, phát triển.

Lễ khánh thành bảo tháp chùa Bằng – Trung tâm hoằng pháp phía Bắc tại Hà Nội (Ảnh: Bảo Thiên)

Một mục tiêu cũng không kém quan trọng, theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, đó là cải tiến nghi lễ tại các cơ sở tự viện phù hợp với chính pháp và thời đại, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Phật giáo Thủ đô trong công cuộc hoằng dương chính pháp lợi lạc quần sinh; đồng thời động viên Tăng Ni, Phật tử tích cực tham gia các phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ích đạo lợi đời, nâng cao uy tín của Phật giáo với xã hội và quốc tế.

Với nguồn nhân lực dồi dào và trẻ hóa, có thể tin tưởng rằng, Thành hội Phật giáo Hà Nội từng bước vươn lên phát triển vững mạnh về số lượng và chất lượng, tiến kịp xu thế của thời đại, đáp ứng được sự mong mỏi của Tăng Ni, Phật tử cả nước, góp phần xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế của đất nước cũng như của Giáo hội.

Nguồn: Giác ngộ online

Chùa Vạn Niên