Phước báu to lớn của người làm công quả

4412 lượt xem

Với lòng kính tin Tam Bảo, nhiều Phật tử chùa Vạn Niên đã gác lại việc nhà để lo việc Tam Bảo, làm công quả, bao sái tượng Phật.

Đến chùa ngoài việc công phu tu tập, chúng ta còn làm công quả. Công phu là thực hành những lời dạy của đức Phật, quán chiếu lại bản thân, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, làm cho ba nghiệp được thanh tịnh. Thúc liễm thân tâm nghĩa là cột trói thân và tâm của mình lại. Tại sao phải cột trói? Bởi vì chúng ta sống ở ngoài đời buông lung phóng túng, tâm nghĩ lăng xăng; thân làm những việc sát sinh, trộm cắp, tà dâm,… Khi vào chùa chúng ta có cơ hội cột trói thân và tâm lại, không buông lung phóng túng nữa, từ đó làm cho ba nghiệp được trong sạch. Sự cột trói đó thể hiện ở việc chúng ta ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật, kinh hành,… Công quả là làm những việc trong chùa để tạo phước. Chẳng hạn, chúng ta vào chùa góp sức xây dựng ngôi Tam bảo, sửa sang cảnh chùa, chăm sóc cây kiểng, trồng cây, tưới nước, lau chùi chính điện, quét dọn, nấu cơm, rửa chén,…

Lợi ích của việc làm công quả, hộ trì Tam Bảo

Trong kinh Tạp Bảo Tạng kể về câu chuyện của một vị Tỳ-kheo được một ngoại đạo Bà-la-môn đoán chỉ còn sống bảy ngày nữa là mạng chung. Hôm ấy, vị Tỳ-kheo đi ngang qua nơi ở của chư Tăng, thấy vách tường có lỗ hổng, liền bảo người nhồi bùn bít lại. Mấy hôm sau gặp lại ngoại đạo Bà-la-môn vẫn thấy Thầy Tỳ-kheo còn sống.
Bà-la-môn hỏi thầy Tỳ-kheo mấy hôm rồi Sư có làm gì không?
Thầy ấy trả lời: “Tôi thì cũng không làm gì. Chỉ có mấy hôm trước, tôi vào chỗ Tăng ở, thấy vách tường có một lỗ hổng, bèn tu bổ lại thôi”.
Bà-la-môn khen: “Chính Tăng là phước điền hết sức quan trọng, mới có thể khiến cho Sư đúng ra phải chết mà lại được trường thọ”.

Một câu chuyện khác trong nhà Phật nói về vua nước Càn Đà Vệ. Trên đường đi đánh trận trở về kinh đô, vua bị bệnh rất nặng. Vị quan ngự y vào thăm mạch và xem sắc diện nói rằng: “Đức vua mạng sống tính bằng ngày. Chắc chỉ còn ba ngày nữa thôi, chứ không thể sống hơn được”. Nghe vậy, đoàn tùy tùng hỏa tốc tích cực đưa xa giá của vua trở về kinh đô. Trên đường đi, phái đoàn ghé qua một ngôi chùa cổ. Đức vua thấy ngôi chùa đổ nát, thấy các tháp thờ Phật không còn nguyên vẹn, vua rất xót xa nên ra lệnh cho các quan ở địa phương đó xây dựng và tu bổ lại ngôi chùa này, đồng thời vua cũng phát tâm xuất tiền của hoàng cung để trùng tu lại ngôi chùa và tháp thờ Phật. Sau đó, đoàn xe đưa vua trở về kinh đô. Tự nhiên, đến ngày hôm sau bệnh của vua được thuyên giảm. Về đến kinh đô thì bệnh của vua khỏi hẳn, sức khỏe của vua hoàn toàn bình phục. Ai cũng trầm trồ và ngạc nhiên, tin rằng chính việc phát tâm tu bổ chùa tháp ấy khiến phước báu được kéo dài nâng đỡ thọ mạng của vua.

Công quả là gì?

Hai chữ công quả, thường có nhiều người hiểu lệch lạc phiến diện về ý nghĩa của nó. Họ cho rằng, chỉ có những ai tới chùa làm công kia việc nọ, giúp cho chùa, thì mới gọi là làm công quả. Ngoài ra, làm những việc khác hay ở những nơi khác, thì không phải là làm công quả. Hiểu thế, tuy không phải là sai hẳn, nhưng thực ra thì chưa đúng ý nghĩa của hai chữ công quả. Vậy công quả nghĩa là gì? Công: nguyên là chữ Hán, nghĩa đen của nó là thợ. Là người bỏ công sức ra chuyên làm một ngành nghề nào đó, thì gọi đó là công. Như nói công nhân hay công phu. Công nhân là người dùng sức lao động của mình mà làm một công việc nặng nhọc nào đó, hoặc bằng chân tay hay trí óc. Còn công phu là người ( phu ) vận dụng năng lực làm một công việc, mang tính tinh thần siêu thoát nhiều hơn. Như nói công phu tham thiền, công phu lễ bái, niệm Phật v.v… 

Còn chữ “quả” cũng là chữ Hán, nghĩa đen là trái. Nghĩa bóng là thành quả hay kết quả của một việc làm hay lời nói. Như vậy, hai chữ công quả, có nghĩa là khi chúng ta dùng sức làm một công việc nào đó, tùy theo chỗ dụng công tốt hay xấu mà nó sẽ đưa đến cái kết quả cũng có tốt xấu khác nhau. Nói gọn cho dễ hiểu, công là nhân mà quả là kết quả. Hiểu như thế, thì đâu phải chỉ có tới chùa làm việc giúp cho chùa mới là công quả, còn làm những việc khác, như tụng kinh, lạy Phật, niệm Phật, dịch kinh ở nhà v.v… thì không phải là công quả hay sao? Hiểu thế, thì chúng ta mới thấy nghĩa của hai chữ công quả rất sâu rộng. Chúng ta có thể áp dụng hai chữ nầy vào bất cứ công việc nào và bất cứ ở đâu. Không nhứt thiết chỉ có tới chùa mới gọi là làm công quả. Đó chẳng qua chỉ là một tập quán thông thường mà lâu nay người ta quen gọi như thế. Hiểu như vậy là chỉ hiểu một cách hạn hẹp và phiến diện. 

Điều quan trọng mà người Phật tử cần phải nhớ là khi làm bất cứ việc gì và ở đâu, thì chúng ta cũng phải cẩn thận ở nơi ba nghiệp. Nếu chúng ta làm với tâm loạn tưởng, si mê, sân hận nóng nảy… thì kết quả chẳng những không có phước đức mà còn mang thêm trọng tội nữa. Cái nhân ( công ) không tốt, thì thử hỏi cái quả làm sao tốt đẹp cho được? Cho nên, khi bỏ công sức ra làm bất cứ điều gì, ta phải cẩn trọng khéo gìn giữ ở nơi ba nghiệp: thân, miệng, ý cho được nghiêm túc trong sạch. Nhất là ý nghiệp. Nếu chúng ta không khéo gìn giữ trong khi hành động hoặc nói năng, thì kết quả có khi sẽ trái ngược lại. Như một người ra sức trồng cây mà không quan tâm chăm sóc kỹ lưỡng, thì kết quả, cái cây kia sẽ không thể nào đơm hoa kết trái tốt đẹp như ý muốn được. 

Quảng Từ

Chùa Vạn Niên