Thực hành hạnh bố thí

725 lượt xem

Ngày 25/3 nhóm Phật tử Chùa Vạn Niên tiếp tục thực hiện lời dậy của thầy thực hành hạnh bố thí, một pháp tu bình đẳng, khiêm cung, nhằm giúp người và mình cùng hoan hỷ, an lạc, đồng thời buông xả bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, và thọ giả.

Nhóm Phật tử Chùa Vạn Niên trong buổi thiện nguyện ngày 25/3 tại viện nhi Hà Nội

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thầy tôi dậy:

“Dầu xây chín bậc Phù đồ

Không bằng làm phúc cứu cho một người”.

Các con giúp người đều phải phát khởi từ tâm và tâm ấy phải là tâm nguyện của một vị Bồ Tát, thực hành hạnh Bố thí, giúp đỡ kẻ khác vì thấy rằng mình và người cùng một bản thể, đau khổ của người khác cũng là đau khổ của chính mình.

Bố thí là một pháp tu nền tảng của Đạo Phật. Khởi đầu do Đức Phật khuyên bảo chư Thiện tín nam nữ cúng dường phẩm vật cho chư Tăng tu học và chia sẻ cho những người nghèo khổ.

Về sau, pháp Bố thí trở thành một hạnh nguyện đặc trưng của hàng Xuất gia và Tại gia, thiếu nó, chúng ta không thể đạt được lý tưởng giải thoát, mục tiêu cao cả đối với người học và hành đạo.

Theo Đại Thừa Nghĩa chương 12: Bố là lấy của mình đem cho người khác, thí là đem tâm của mình lo lắng cho mọi người.

Như thế đủ hiểu rằng bố thí ngoài việc cho tài vật cũng phải cho luôn tấm lòng thương yêu của mình với người mới trọn vẹn sự Bố thí.

Phật dậy có 7 thứ bố thí: Thí khách nhân, Thí hành nhân, Thí bệnh nhân. Thí thị bệnh giả. Thí viên lâm, Thí thường thực, Thí tùy thời.

Này các con trong Kinh Tâm Địa Quán nói rằng:

“Năng thí, sở thí cập thí vật

Ư tam giới trung vô sở đắc

Ngã đẳng an trụ tối thắng tâm

Cúng duờng nhất thiết thập phương Phật.”

(Người cho, người nhận và phẩm vật

Ở trong ba cõi không sở đắc

Chúng con an trụ tối thắng tâm

Cúng dường tất cả mười phương Phật).

Lại nữa, lúc thực hành bố thí, đối với chúng sanh phải khởi lòng xót xa giống như cha mẹ săn sóc đứa con đang bệnh. Lúc thực hành bố thí, tâm Bồ tát vui mừng như Cha Mẹ thấy con lành bệnh. Sau khi bố thí, tâm Bồ tát buông xả như cha mẹ thấy con đã lớn khôn, có thể sinh sống tự tại.”

Như thế thì Pháp Bố thí của Đạo Phật cũng là một pháp tu bình đẳng, khiêm cung, nhằm giúp người và mình cùng hoan hỷ, an lạc, đồng thời buông xả bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, và thọ giả.

Và chỉ cần tu hành rốt ráo pháp Bố thí chúng ta có thể nhiếp phục được các căn và tâm phân biệt, chấp thủ. Đó cũng là lý do tại sao Bố thí cũng đứng đầu trong Tứ nhiếp pháp (bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp, và đồng sự nhìếp), bốn hạnh lợi mình lợi người trong việc tu đạo và hành đạo.

BTV

 

Chùa Vạn Niên